Ông Phan Phú, Chủ tịch Tổng công ty 319
Như vậy, từ nay tới năm 2025, chúng ta còn phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000 km đường cao tốc, đây là thách thức lớn vì khối lượng công việc còn nhiều. Để đạt được mục tiêu này, cần tiếp tục tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có vướng mắc liên quan đến công tác thanh toán, hạch toán trong khai thác vật tư, vật liệu cho các dự án giao thông.
Để giải quyết việc thiếu nguồn vật liệu (cát, đất đắp) cho các dự án giao thông, Quốc hội đã có Nghị quyết số 106/2023/QH15 thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ. Nghị quyết này cho phép nhà thầu khai thác vật tư, vật liệu cho các công trình giao thông theo cơ chế vùng. Tuy nhiên, vấn đề mới chỉ giải quyết được việc lấy nguồn vật tư, vật liệu ở đâu để bảo đảm tiến độ, còn việc thanh toán, hạch toán của nhà thầu lại rất khó.
Thực tế, địa phương giao mỏ cho nhà thầu khai thác, sử dụng vào công trình giao thông, nhưng việc thanh toán cho nhà thầu, xác định giá vật liệu tại mỏ trong trường hợp này như thế nào thì chưa có hướng dẫn, định mức cụ thể, mỗi địa phương thực hiện theo cơ chế khác nhau. Trong khi đó, các chủ đầu tư không biết thanh toán cho nhà thầu đối với hạng mục này nên hiện dùng giải pháp “tạm thanh toán” và sử dụng đơn giá trong dự toán làm cơ sở để xác định thanh toán cho nhà thầu với mức 70 - 80%; phần còn lại để nguyên.
Khi thực hiện tạm thanh toán như vậy thì giá trị thực tế nhà thầu đã làm nhưng chưa nghiệm thu thanh toán (20 - 30% còn lại) dần tích tụ lại ngày càng lớn, giải ngân chưa được, nhà thầu bi đọng vốn và gây ảnh hưởng lớn đến tài chính để tiếp tục thi công… Bên cạnh đó là những rủi ro pháp lý trong công tác hậu kiểm khi mỗi địa phương có cách thức thanh toán, cơ chế đối với vấn đề này khác nhau.