Tại 7 dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam đã mở sơ tuyển, có tổng số 29 doanh nghiệp Việt tham dự với tư cách độc lập hoặc liên danh. Ảnh: Song Lê |
Gần 30 doanh nghiệp Việt tham dự
Trong 7 dự án đã mở sơ tuyển trong hai ngày 8 - 9/7/2019, nhà đầu tư trong nước không tham dự duy nhất DATP đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn. Một cán bộ của Ban Quản lý dự án (QLDA) 2 - bên mời thầu Dự án cho biết, trong thời gian phát hành HSMST, có rất nhiều nhà đầu tư trong nước mua hồ sơ. Kết quả nộp hồ sơ dự sơ tuyển (HSDST) khiến chính cán bộ này bất ngờ, vì DATP này có tổng vốn đầu tư thấp nhất trong số 8 DATP (6.333 tỷ đồng), nếu trừ phần vốn tham gia của Nhà nước (2.003 tỷ đồng) thì phần vốn nhà đầu tư 4.330 tỷ đồng. Cán bộ này nhận định, trong khi các dự án lớn hơn nhà đầu tư trong nước đều tham gia có thể cho thấy vấn đề năng lực không phải là quan ngại lớn đối với nhà đầu tư trong nước.
Ngược lại, nhà đầu tư trong nước có mặt nhiều nhất ở DATP đoạn Nha Trang - Cam Lâm. Dự án này có 8 nhà đầu tư dự sơ tuyển, trong đó 4 nhà đầu tư hoàn toàn là doanh nghiệp trong nước, gồm: Vinaconex 4, Liên danh IDICO - Công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO, Liên danh Xây dựng Trung Nam - Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Lắp máy Trung Nam, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 - Công ty CP Đầu tư xây dựng 194 - Công ty CP Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An. Ngoài ra, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành và Công ty CP Tập đoàn Hùng Thắng cũng tham dự với tư cách thành viên của 2 liên danh do nhà đầu tư Trung Quốc đứng đầu.
Theo một số ý kiến, DATP này thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước tham gia một phần do cơ cấu vốn. Tổng vốn đầu tư Dự án là 7.615 tỷ đồng, nhưng trong đó phần vốn nhà nước tham gia đã là 5.058 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư thu xếp chỉ còn 2.557 tỷ đồng.
Tính chung 7 dự án, có 29 doanh nghiệp Việt tham dự sơ tuyển với tư cách độc lập hoặc liên danh. Trong đó có rất nhiều tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực BOT, xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Chưa kể DATP đoạn Dầu Giây - Phan Thiết, trong danh sách các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sơ tuyển các DATP cao tốc Bắc - Nam, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả dự sơ tuyển ở 3 dự án gồm DATP đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt và đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Ở cả 3 dự án, Đèo Cả đều đứng đầu liên danh.
Công ty Đầu tư xây dựng Trung Nam độc lập hoặc liên danh dự sơ tuyển 3 dự án, gồm Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm, Mai Sơn - Quốc lộ 45.
Tổng công ty Vinaconex dự sơ tuyển độc lập ở hai dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Nha Trang - Cam Lâm. Nhiều tên tuổi khác như Tập đoàn Xây dựng miền Trung, CIENCO 4, VIDIFI, IDICO, Coteccons đều không bỏ qua cơ hội tham gia cạnh tranh ở dự án hạ tầng quan trọng của đất nước này.
“Ông trùm BOT” TASCO lại chọn cách liên danh với nhà đầu tư Trung Quốc dự sơ tuyển ở 3 DATP Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt. Tương tự TASCO, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phương Thành, Công ty CP Tập đoàn Hùng Thắng, Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập, Công ty CP Đầu tư xây dựng 194, Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 cũng tham gia vào liên danh do nhà đầu tư Trung Quốc đứng đầu.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Với việc mỗi dự án đều có đông nhà đầu tư dự sơ tuyển (ít nhất là 5, nhiều nhất là 11 nhà đầu tư), các nhà đầu tư trong nước sẽ phải cạnh tranh với nhiều nhà đầu tư lớn đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Pháp để có thể lọt qua sơ tuyển, vào vòng đấu thầu.
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), HSDST phải đáp ứng về tư cách hợp lệ. Phần đánh giá năng lực tài chính được chấm tối đa 60 điểm, trong đó giá trị tài sản ròng 30 điểm, vốn chủ sở hữu 20 điểm, khả năng thu xếp vốn vay 10 điểm. Năng lực kỹ thuật chấm tối đa 40 điểm.
Tối đa 5 nhà đầu tư có điểm đánh giá cao nhất tại giai đoạn sơ tuyển sẽ được lựa chọn vào giai đoạn đấu thầu tiếp theo. Trong giai đoạn đấu thầu tiếp theo, hồ sơ mời thầu sẽ được lập trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, dự toán được Bộ GTVT phê duyệt theo quy định. Trong quá trình tổ chức đấu thầu, tiêu chí chính để lựa chọn nhà đầu tư là mức vốn góp của Nhà nước.
Một lãnh đạo Vụ PPP thuộc Bộ GTVT cho biết, vướng mắc lớn nhất đối với nhà đầu tư trong nước là khả năng thu xếp vốn vay. Khá nhiều nhà đầu tư trong nước trong danh sách dự sơ tuyển đã thực hiện những dự án hạ tầng giao thông từ 5.000 tỷ đồng trở lên, kinh nghiệm có thể đáp ứng. Tuy nhiên, hạn mức tín dụng cho vay trung, dài hạn của khối ngân hàng thương mại trong nước đã sắp chạm ngưỡng, rất khó cho vay tiếp với các dự án cao tốc Bắc - Nam.