VAMC ra đời với mục đích "dọn dẹp" nợ xấu cho các tổ chức tín dụng |
Báo cáo tài chính năm 2017 của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho thấy, trong năm vừa qua, doanh nghiệp này đạt mức lãi 20,5 tỷ đồng, tăng hơn 39% so với năm 2016.
Doanh thu trong năm đạt 89,1 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2016, phần lớn là doanh thu cung cấp dịch vụ với 67,8 tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm, hoạt động mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt mang về cho VAMC khoản lãi thuần 57,8 tỷ đồng. Trong khi với doanh thu từ hoạt động mua nợ theo giá thị trường là 2.618,4 tỷ đồng thì giá vốn của khoản nợ được thu hồi đã là 2.608,4 tỷ đồng, do đó, khoản lãi thuần còn lại chỉ còn 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, VAMC còn ghi nhận lãi thuần từ hoạt động tài chính 21,3 tỷ đồng và phát sinh lỗ thuần từ hoạt động khác hơn 180 triệu đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động đã lên tới 68,4 tỷ đồng, tăng 22,1%. Riêng chi phí cho nhân viên gần 42,5 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2017, tổng số cán bộ, công nhân viên (bao gồm cả viên chức quản lý và người lao động) của VAMC là 151 người. Mức chi bình quân đầu người trong năm của VAMC là 23,4 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, riêng lương và và phụ cấp lương là xấp xỉ 21 triệu đồng/người/tháng.
Đáng chú ý là VAMC đã cung cấp thông tin khá chi tiết về mức thu nhập trong quý III và quý IV của năm 2017. Cụ thể, trong hai quý này, tại VAMC có 6 viên chức quản lý và 145 nhân viên.
Trong quý IV, doanh nghiệp chi trả 12,9 tỷ đồng cho quỹ lương và 151 triệu đồng tiền thưởng. Tiền lương bình quân của viên chức quản lý trong quý này là 38,3 triệu đồng/người/tháng còn của người lao động là 28,5 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt là vào quý III, mức lương bình quân của viên chức quản lý VAMC lên tới 88,5 triệu đồng/người/tháng và của người lao động xấp xỉ 29 triệu đồng/người/tháng.
(Ảnh chụp màn hình báo cáo tài chính năm 2017 của VAMC)
Khoản phải thu từ hoạt động mua bán nợ là 2.778,7 tỷ đồng, cao hơn 30 lần so với 1 năm trước.
Ngoài ra, VAMC còn 17.990,3 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, tăng 27% so với thời điểm 1 năm trước đó. Trong đó, 17.262,2 tỷ đồng là tiền gửi tại tài khoản phong toả của các tổ chức tín dụng (số tiền thu hồi, xử lý các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt) và chỉ có 679 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn.
VAMC có hoạt động kinh doanh đặc thù với việc mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản đảm bảo; cơ cấu lại các khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay.