IMS chuyên xuất khẩu lao động sang một số thị trường như Angola, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản… Ảnh: Tùng Dương |
Mức giá khởi điểm là 102.000 đồng/CP, cao gấp 10 lần so với mệnh giá, trong khi những thông tin về doanh nghiệp này lại khá sơ sài.
Hoạt động kinh doanh chính thua lỗ
Tiền thân IMS là Ban Hợp tác chuyên gia của Hội đồng Bộ trưởng được thành lập ngày 12/1/1984 nhằm giúp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo tập trung, thống nhất và phối hợp với các bộ, ngành phát triển công tác hợp tác chuyên gia với nước ngoài. Đến năm 2004, doanh nghiệp này thực hiện cổ phần hóa với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 51%, 49% là các cổ đông trong Công ty và một số cổ đông bên ngoài. IMS hoạt động chính trong lĩnh vực xuất khẩu lao động sang một số thị trường như Angola, Trung Đông, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bên cạnh đó, Công ty còn có nguồn thu từ hoạt động cho thuê văn phòng tại hai tòa nhà trên đường Nguyễn Trãi và Hòa Mã (Hà Nội).
Báo cáo tài chính kiểm toán của IMS không được SCIC và đơn vị tư vấn công bố trên các phương tiện truyền thông, song theo bảng công bố thông tin thì IMS đang duy trì được hệ số EPS trên 4.023 đồng/CP và hệ số ROE trên 20%.
Tuy nhiên, nhìn sâu hơn vào hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp này có thể thấy, hoạt động kinh doanh chính đang thua lỗ, hai năm 2015 và 2016, lợi nhuận sau thuế được cải thiện là nhờ thu thập khác. Cụ thể, doanh thu thuần hai năm 2015 và 2016 lần lượt đạt 41,66 tỷ đồng và 52,54 tỷ đồng, trong khi chi phí hoạt động bao gồm (giá vốn hàng bán, chi phí quản lý, chi phí bán hàng, chi phí lãi vay) lần lượt là 43,81 tỷ đồng và 55,57 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của IMS đang âm 2,15 tỷ đồng và 3,03 tỷ đồng.
Làm phép tính ngược thì lãi từ thu nhập khác trong hai năm 2015 và 2016 là gần 10 tỷ đồng đã giúp cho lợi nhuận sau thuế của IMS tăng trưởng mạnh so với năm 2014.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm
Hiệu quả kinh doanh ở mức vừa phải, với mức giá 102.000 đồng/CP thì hệ số P/E tính trên lợi nhuận sau thuế năm 2016 là 25 lần, cao hơn nhiều so với bình quân của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo trao đổi với nhà đầu tư cùng tham gia đấu giá trọn lô cổ phần của SCIC thì hiện tại IMS đang quản lý hai tòa nhà, trong đó một tòa nhà tại số 473 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân có diện tích sử dụng là 353 m2 với thời gian thuê 20 năm từ 10/9/2001 đến 10/9/2021. Tòa nhà thứ 2 tại số 66 Hòa Mã, phường Ngô Thì Nhậm có diện tích 186,7 m2 với thời gian sử dụng lâu dài. Hiện tầng 1 của hai tòa nhà đang cho Ngân hàng Đông Á và Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín thuê.
Tính toán đơn giản theo phương pháp so sánh, giá trị của hai tòa nhà này ước tính gần 100 tỷ đồng. Đây có lẽ là lời giải thích hợp lý cho mức giá 102.000 đồng/CP đối với IMS. Với mức giá này, đã có 9 nhà đầu tư, trong đó có 3 tổ chức đặt cọc 10% và sẵn sàng mua lô cổ phần mà SCIC chào bán. Về cơ bản, thương vụ thoái vốn này của SCIC chắc chắn thành công và tổng giá trị thu về cho Nhà nước sẽ lớn hơn con số 58,83 tỷ đồng dự kiến ban đầu.