SAWACO xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, đảm bảo cấp nước sạch, an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO) hướng tới xây dựng hệ thống cấp nước thông minh, đảm bảo an toàn, an ninh cấp nước, hiện đại hóa công nghệ.
Kiểm tra công tác xử lý nước sạch tại Nhà máy Nước Tân Hiệp
Kiểm tra công tác xử lý nước sạch tại Nhà máy Nước Tân Hiệp

Theo ông Trần Quang Minh, Phó Bí thư Ðảng ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (SAWACO), Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình hành động số 09, thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ SAWACO lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Ðảng bộ Tổng công ty đã ban hành Chương trình hành động số 09-CTrHÐ/ÐU ngày 22/3/2021 về “Ðảm bảo an toàn, an ninh cấp nước, hiện đại hóa công nghệ, hướng tới xây dựng hệ thống cấp nước thông minh” nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố.

SAWACO chỉ đạo triển khai các thủ tục để chuẩn bị đầu tư xây dựng Nhà máy Nước Kênh Ðông II (công suất 250.000 m3/ngày đêm) và Nhà máy Nước Thủ Ðức IV (công suất 300.000 m3/ngày đêm) nhằm nâng cao công suất phát nước phục vụ nhu cầu phát triển Thành phố, đồng thời giúp bổ sung nguồn nước dự phòng sẵn sàng bổ trợ cho hệ thống cấp nước theo các kịch bản (biến đổi khí hậu, mất nước do sự cố, phá hoại...) trong tương lai.

SAWACO đã tham mưu và đề xuất Thành phố trình Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

SAWACO cũng đã tham gia nghiên cứu Đề án phát triển hệ thống cấp nước Thành phố giai đoạn 2020 - 2050 và Chương trình cung cấp nước sạch và chấm dứt khai thác nước ngầm TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030.

Ðể thực hiện chủ trương giảm khai thác nước ngầm của UBND TP.HCM, Tổng công ty đã xây dựng kế hoạch giảm khai thác nước ngầm theo lộ trình đến năm 2025. Theo đó, dự kiến trong điều kiện cho phép, đến cuối năm 2025 chỉ còn duy trì sản lượng khai thác từ 2 đơn vị có sản lượng khai thác lớn, gồm: Công ty TNHH MTV Nước ngầm Sài Gòn là 25.000 m3 (từ Nhà máy Nước ngầm Tân Phú) và Xí nghiệp Cấp nước nông thôn là 5.000 m3 (từ Nhà máy Nước ngầm Bình Hưng).

Vừa qua, Tổng công ty đã gửi văn bản sơ kết lộ trình thực hiện theo Quyết định 1242 cho Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong đó Tổng công ty kiến nghị kéo dài lộ trình giảm khai thác nước ngầm đến năm 2030 để duy trì cung cấp nước sạch ổn định liên tục cho người dân tại các khu vực thuộc địa bàn huyện Bình Chánh, đề xuất tăng sản lượng các trạm để sẵn sàng nguồn nước dự phòng.

Với vai trò quản lý hệ thống cấp nước, SAWACO đã cùng các sở, ngành tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành các văn bản yêu cầu đến các đơn vị quận, huyện nhằm kiểm soát chặt chẽ nguồn nước thô, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực khai thác nước sinh hoạt. Tổng công ty đã nhận được Quyết định số 1053/QÐ-STNMT-TNNKS ngày 21/10/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt cho Trạm bơm nước thô Hòa Phú, bảo vệ hành lang tuyến ống.

SAWACO tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành các chính sách quản lý hệ thống cấp nước an toàn, an ninh nguồn nước, phù hợp với quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, đầu tư phát triển đồng bộ về kinh tế, kỹ thuật giữa phát triển nguồn nước và mạng lưới cấp nước. Theo đó, áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành nước tiên tiến cũng như các ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình đầu tư phát triển hệ thống cấp nước.

Ðồng thời, SAWACO đã triển khai Chương trình “cấp nước an toàn” sâu rộng trong toàn Tổng công ty thông qua các hình thức: diễn tập phương án cấp nước đã xây dựng như điều tiết an toàn cấp nước cho cụm khu vực Thủ Ðức và cụm khu vực Tân Hiệp để khi có sự cố xảy ra, các nhà máy trong cụm có thể tăng cường bổ sung để hỗ trợ nguồn nước; các hội thảo chuyên đề tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong và ngoài nước…

SAWACO triển khai lắp đặt các thiết bị giám sát chất lượng nước trực tuyến (online) cho những chỉ tiêu mang tính đặc trưng dễ biến động tại nguồn nước, các nhà máy nước và mạng lưới cấp nước như: độ đục, pH, clo dư, thiết bị giám sát định tính về độc chất có trong nguồn nước thô, tổng hữu cơ trong nước thô. Từ đó đưa ra các giới hạn cảnh báo để có các phương án ứng phó kịp thời khi nguồn nước bị biến động, đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp luôn ổn định và đạt theo quy định.

Cũng theo ông Trần Quang Minh, SAWACO không ngừng kiểm soát hoạt động sản xuất và cung cấp nước sạch tại các nhà máy nước thông qua các ứng dụng công nghệ Scada, tự động hóa các công đoạn sản xuất, giám sát online chất lượng nước trên từng công đoạn xử lý, sử dụng năng lượng và hóa chất tối ưu trong sản xuất và cung cấp nước.

“SAWACO khuyến khích nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả trong hoạt động sản xuất. Trong nửa nhiệm kỳ qua, đã có 124 hồ sơ được xem xét, trong đó, công nhận 23 sáng kiến cấp Tổng công ty, 7 sáng kiến cấp cơ sở, 63 giải pháp khắc phục khó khăn, có 3 đề tài khoa học công nghệ đã nghiệm thu với số tiền 2,37 tỷ đồng và chi trả một phần cho 1 đề tài hợp tác với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với số tiền 320 triệu đồng”, ông Minh cho biết thêm.

Ðặc biệt, Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng công ty đã chỉ đạo ban hành Đề án Phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số hệ thống cấp nước của Tổng công ty đang quản lý; cũng như tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện bộ cấu trúc cơ sở dữ liệu số hệ thống cấp nước phục vụ cho công tác chia sẻ và đồng bộ dữ liệu số của Tổng công ty về kho dữ liệu dùng chung của Thành phố, góp phần hiện đại hóa quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và hướng đến xây dựng đô thị thông minh.

Tổng công ty đã chỉ đạo ban hành Ðề án Giảm thất thoát nước trên hệ thống cấp nước TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng bền vững, hiệu quả, xác định duy trì “tỷ lệ thất thoát nước kinh tế”.

Ngoài việc lập kế hoạch giao chỉ tiêu tỷ lệ thất thoát nước đến từng đơn vị, hàng tháng giám sát chặt chẽ tiến độ đơn vị nhằm theo dõi góp ý kịp thời, SAWACO đã xây dựng phương pháp luận cho công tác thực hiện giảm thất thoát nước phù hợp với điều kiện thực tế mạng lưới như phân vùng tách mạng, thiết lập khu vực quản lý đồng hồ tổng nhằm thúc đẩy đơn vị thiết lập khu vực DMA, phân chia khu vực dễ theo dõi và kiểm soát.

“Bên cạnh đó, chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật như cải tạo thay thế ống cũ, mục; tăng cường duy tu sửa chữa dò tìm rò rỉ, khắc phục nhanh sự cố trên mạng lưới; không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành mạng lưới cấp nước. Tỷ lệ thất thoát nước năm 2020 là 19,97%, năm 2021 là 19,96%, năm 2022 là 18,24% và 6 tháng đầu năm 2023 là 14,44 %”, ông Minh cho biết.

Chuyên đề