Sau thương vụ 360 triệu USD vào Masan Consumer, KKR rót tiếp 150 triệu USD vào công ty thức ăn chăn nuôi của Masan

Ngoài việc đầu tư vào Masan Nutri-Science, KKR còn chi 100 triệu USD để mua lại cổ phần của Masan Group từ một cổ đông lớn khác.
Sau thương vụ 360 triệu USD vào Masan Consumer, KKR rót tiếp 150 triệu USD vào công ty thức ăn chăn nuôi của Masan

Hôm nay (3/4/2017), Masan Group đã ra thông báo về việc tập đoàn này và Quỹ đầu tư toàn cầu KKR đã hoàn thành việc ký kết các thỏa thuận đầu tư tổng cộng 250 triệu USD vào Masan Group và Masan Nutri-Science, công ty đặt trọng tâm chiến lược vào xây dựng chuỗi cung ứng thịt và các sản phẩm từ thịt.

Theo đó, thỏa thuận đầu tư của KKR bao gồm 150 triệu USD đầu tư vào Masan Nutri-Science (“MNS”) để sở hữu 7,5% cổ phần – tực định giá công ty có thị phần đứng thứ 2 trong ngành thức ăn chăn nuôi Việt Nam ở mức 2 tỷ USD. Masan Nutri-Science nắm quyền chi phối 2 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành là Proconco và ANCO.

Bên cạnh đó, KKR còn chi 100 triệu USD mua lại Masan Group từ PENM Partners, công ty quản lý quỹ đầu tư tư nhân của Đan Mạch. PENM Partners thông qua quỹ PENM II đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất sở hữu 5,3% cổ phần của Masan Group, tương ứng lượng cổ phiếu trị giá 126 triệu USD. PENM đã đầu tư vào Masan từ 9 năm trước.

Đây là khoản đầu tư thứ hai của KKR vào Masan, sau khoản đầu tư vào Masan Consumer Corporation với tổng giá trị 359 triệu USD. Cuối năm 2015 và đầu năm 2016, KKR đã thoái toàn bộ khoản đầu tư tại Masan Consumer cho Masan Consumer Holdings.

Quỹ Asian Fund II của KKR sẽ thực hiện các khoản đầu tư trên. Giao dịch này sẽ được thực hiện ngay sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2016, mảng thức ăn chăn nuôi đóng góp 24.400 trên tổng số 43.300 tỷ đồng doanh thu hợp nhất của Masan Group và mang về gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Thị trường thịt và các sản phẩm từ thịt có giá trị 18 tỷ USD. Mặc dù vậy, năng suất chăn nuôi rất thấp và chuỗi cung ứng bị phân mảnh (công ty dẫn đầu thị trường hiện nay chỉ chiếm 1% thị phần), do vậy, người tiêu dùng đang phải chi trả cao hơn cho sản phẩm chưa tương xứng.

Masan tin tưởng các chuyển đổi chiến lược cùng với việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật sẽ mang đến hiệu suất trong toàn chuỗi giá trị đạm động vật. Năm 2016, Masan đã hoàn tất giai đoạn khởi đầu của mô hình tích hợp “3F” (từ trang trại đến bàn ăn) bằng việc khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành hàng thức ăn gia súc, xây dựng trang trại nuôi heo kỹ thuật cao với quy mô lớn, cũng như trở thành đối tác chiến lược của VISSAN. 

Chuyên đề