Cần tiếp tục cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Ảnh: Tiên Giang |
Số DN quay trở lại hoạt động cũng đang tăng lên. Với kết quả này, nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu 135.000 DN thành lập mới trong năm 2018 mà Chính phủ đặt ra.
Tăng mạnh vốn đăng ký bổ sung
Số liệu về tình hình đăng ký DN tháng 11 và 11 tháng năm 2018 vừa được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy, số lượng DN thành lập mới vẫn trên đà tăng. Riêng tháng 11, cả nước có 11.637 DN thành lập với số vốn đăng ký là 118.420 tỷ đồng, tăng 6,5% về số doanh nghiệp và tăng 7,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Số vốn đăng ký bình quân trên một DN trong tháng 11/2018 đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Như vậy, tính chung 11 tháng năm 2018, cả nước có 121.248 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,234 triệu tỷ đồng, tăng 4,5% về số DN và tăng 9,1% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Số vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 4,1% so với 11 tháng năm 2017.
Cùng với 2,1 triệu tỷ đồng thông qua 39.065 lượt đăng ký tăng vốn của các DN đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký bổ sung trong 11 tháng đầu năm 2018 là 3,4 triệu tỷ đồng, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Ba vùng kinh tế có số DN thành lập mới và vốn đăng ký tăng là: Đồng bằng sông Hồng (tăng 3% về số DN, tăng 31,3% về số vốn), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (tăng 9,6% về số DN, tăng 1% về số vốn), Đồng bằng sông Cửu Long (tăng 3,1% về số DN, tăng 63,38% về số vốn).
Một số lĩnh vực có số DN đăng ký thành lập mới tăng cao là: Bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo...
Đánh giá về tình hình đăng ký thành lập DN trong giai đoạn 2014 - 2018, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng ghi nhận, số lượng DN mới và số vốn đăng ký trong 11 tháng đầu năm liên tục tăng.
Củng cố niềm tin để nhà đầu tư tiếp tục “đổ vốn”
Nếu như một vài tháng trước, số liệu thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ghi nhận, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng như số DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể luôn tăng, thì những con số này đang có sự đảo chiều tích cực trong tháng 11.
Cụ thể, trong tháng 11/2018, cả nước có 3.404 DN quay trở lại thị trường, tăng 154,4% so với cùng kỳ năm 2017. Số DN tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể là 4.401 doanh nghiệp, giảm 7,8% so với tháng 10/2018. Cùng với đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể giảm 12,3% so với tháng 10/2018.
“Số lượng DN quay trở lại hoạt động là điểm tích cực trong bức tranh toàn cảnh về đăng ký DN trong 11 tháng năm 2018”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhấn mạnh và cho biết, ở tất cả các vùng lãnh thổ đều có sự gia tăng đáng kể số lượng DN quay trở lại hoạt động. Ở mỗi vùng, số lượng DN quay trở lại hoạt động xấp xỉ số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn.
Với những diễn biến tích cực của tình hình đăng ký DN 11 tháng năm 2018, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, mục tiêu Việt Nam sẽ có 135.000 DN thành lập trong năm nay là có thể đạt được, song còn rất nhiều việc cần thực hiện.
Theo ông Hiếu, mặc dù môi trường kinh doanh của nước ta ngày càng được cải thiện, nhưng đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo Doing Business 2019 công bố gần đây cho thấy, môi trường kinh doanh năm 2018 vẫn giảm bậc (ở vị trí 69/190 nền kinh tế) so với năm 2017. Nhiều chỉ số vẫn thấp, tiêu biểu là Chỉ số giải quyết phá sản DN… “Việc cải cách môi trường kinh doanh cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa nhằm “gia cố” niềm tin của nhà đầu tư, DN “đổ vốn” vào hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Liên quan đến việc cải thiện Chỉ số khởi sự kinh doanh của DN trong Bảng xếp hạng của WB, một số chuyên gia cho rằng, năm nay, mặc dù chỉ số này được cải thiện nhiều, tăng 19 bậc so với năm ngoái, tuy nhiên, vị trí 104/190 tại Bảng xếp hạng vẫn là vị trí thấp. Trong khi đó, chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để có thể cải thiện chỉ số này, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc gia nhập thị trường của DN. Bởi vậy, theo bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, việc tiếp tục cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ là nền tảng để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020.