Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định những ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt, đáp ứng sự cần thiết có chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư. Ảnh: Lê Tiên |
Đặc biệt là đưa ra hành lang chính sách với những cơ chế hấp dẫn, cạnh tranh để thu hút nhà đầu tư lớn trong làn sóng dịch chuyển đầu tư hậu Covid-19.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, sự cạnh tranh đón làn sóng đầu tư dịch chuyển hậu Covid-19 sẽ rất gay gắt, và Việt Nam không phải đương nhiên đón được làn sóng này nếu không có chính sách kịp thời. Nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần có chiến lược với tầm nhìn xa, hành động kịp thời cùng với chính sách thu hút hấp dẫn, đặc thù hơn những đặc thù đã từng có, đủ sức cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Đồng thời, thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện môi trường.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt để đón sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đang chuyển hướng mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, để đón được làn sóng đầu tư mới cần có cơ chế, chính sách đặc thù, Tổ công tác đặc biệt cần có "cây gậy" thực hiện nhiệm vụ và cần những chính sách, cơ chế tại Luật Đầu tư (sửa đổi).
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định những ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt, vừa đáp ứng sự cần thiết có chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư, vừa đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Cụ thể, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định rõ về “ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt” tại Điều 20. Đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt gồm dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó), các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng thứ hai là dự án đầu tư thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định mức ưu đãi và thời hạn áp dụng ưu đãi đặc biệt thực hiện theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về đất đai.
Đồng thời, tại Điều 75 của Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 32/2013/QH13 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế số 71/2014/QH13.
Cụ thể, bổ sung Khoản 5a vào sau Khoản 5 Điều 13 và bổ sung Khoản 1a vào sau Khoản 1 Điều 14 của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, Khoản 5a quy định, đối với các dự án đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng thuế suất ưu đãi giảm không quá 50% so với thuế suất ưu đãi quy định tại Khoản 1 Điều này; thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi không quá 1,5 lần so với thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi quy định tại Khoản 1 Điều này, được kéo dài thêm không quá 15 năm và không vượt quá thời hạn của dự án đầu tư. Còn Khoản 1a quy định, đối với các dự án đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng miễn thuế tối đa không quá 6 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 13 năm. Luật quy định rõ, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại điều này chỉ áp dụng đối với các dự án đầu tư mới.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi chưa thể sửa đổi ngay Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định sửa đổi, bổ sung ngay các luật về thuế tại Luật Đầu tư (sửa đổi) giúp các chính sách ưu đãi được thực hiện ngay sau khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động trong đàm phán, thu hút đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những quy định được ban hành khi có hiệu lực sẽ tạo cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn, kịp thời cho thu hút đầu tư, nhất là các dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển nhanh chóng trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển nền kinh tế.