RCEP thúc đẩy cải cách, tăng tính tự chủ của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể tạo thêm xung lực cải thiện quy mô thương mại và đầu tư, đồng thời giúp gắn kết hiệu quả hơn doanh nghiệp (DN) Việt Nam vào chuỗi giá trị khu vực. Để tối đa hóa cơ hội từ Hiệp định, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy cải cách thể chế, “chìa khóa” hiện thực hóa tiềm năng từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Hiệp định RCEP sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, gia tăng đầu vào từ nhập khẩu có chất lượng; tham gia chuỗi giá trị… Ảnh: Lê Tiên
Hiệp định RCEP sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, gia tăng đầu vào từ nhập khẩu có chất lượng; tham gia chuỗi giá trị… Ảnh: Lê Tiên

RCEP được ký kết đã tạo ra một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Hiệp định sẽ giúp DN Việt Nam mở ra cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, gia tăng đầu vào từ nhập khẩu có chất lượng cho tiêu dùng và sản xuất xuất khẩu; tham gia chuỗi giá trị…

Tuy vậy, Báo cáo Thực hiện hiệu quả Hiệp định gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư ở Việt Nam vừa được CIEM công bố đã chỉ ra không ít thách thức với DN Việt Nam bên cạnh những cơ hội. Đó là thực tiễn nhập siêu của Việt Nam với khu vực RCEP trong những năm qua và hệ lụy từ gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 năm 2020, đặc biệt là vấn đề mức độ tự chủ của nền kinh tế.

Phân tích cụ thể hơn những thách thức này, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc CIEM, cho biết, thời gian qua, mặc dù khả năng tận dụng ưu đãi từ các FTA của DN Việt Nam đã có nhiều cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với kỳ vọng. Số liệu tại Báo cáo cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam trong năm 2019 ở mức 37,2% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên. “Điều này có thể ảnh hưởng đến việc hưởng mức ưu đãi thuế quan từ RCEP”, ông Dương nói.

Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam chưa có tầm nhìn, chiến lược kinh doanh thực sự thân thiện với quy tắc xuất xứ trong FTA nói chung và trong ASEAN+ nói riêng. Không nhiều DN quan tâm đến việc Việt Nam đang tham gia đàm phán các FTA, kể cả các FTA được đánh giá là tương đối dễ khai thác của ASEAN.

Về năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu, RCEP có thể tạo ra nguy cơ chuyển hướng thương mại, cụ thể hơn là gia tăng cạnh tranh với Trung Quốc, gây áp lực lớn cho DN Việt.

Đối với đầu tư nước ngoài, bên cạnh nhận định RCEP sẽ hỗ trợ Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc thì còn có một loạt thách thức. Đó là nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP; sàng lọc chất lượng của dự án FDI; sự phức tạp trong kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP và hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô…

Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, để tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế khi thực hiện RCEP, yếu tố cải cách càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, hài hòa hóa quá trình cải cách thể chế khi thực hiện các FTA có ý nghĩa quan trọng.

Theo đó, một khung chính sách để thực hiện hiệu quả RCEP được ông và nhóm nghiên cứu đề xuất. Trước hết, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các cải cách đối với nền tảng kinh tế vĩ mô nói chung, bao gồm cả chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh, các thị trường nhân tố sản xuất. Những cải cách ấy phải đặt trên một nền tảng chính sách để duy trì ổn định, tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế.

Hai là chính sách đầu tư phải ở vị trí trung tâm, gắn với định hướng về những ngành cần ưu tiên phát triển và ngành cần thúc đẩy tự do cạnh tranh, mức độ tham gia chuỗi giá trị ở khu vực RCEP, mức độ tự chủ trong thu hút, sử dụng các dự án FDI từ khu vực RCEP.

Hơn nữa, chính sách thương mại cần có sự nhất quán với chính sách đầu tư, qua đó góp phần xử lý hiệu quả, hài hòa hơn vấn đề nhập siêu và nhập khẩu hàng trung gian, đồng thời phù hợp với sự tham gia của doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần xử lý các điểm nghẽn về hạ tầng và nguồn nhân lực, trong đó có sự tham gia của các nhà đầu tư và đối tác nước ngoài ở trình độ phù hợp….

Chuyên đề