RCEP: Mở thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 được kỳ vọng mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo ra áp lực buộc doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình, vươn lên. Ảnh: Minh Trí
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo ra áp lực buộc doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình, vươn lên. Ảnh: Minh Trí

Bên cạnh đó, việc ký kết và thực thi RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19.

Thị trường rộng mở

Tuyên bố chung về RCEP nhấn mạnh, đây là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác.

Với 15 thành viên, trong đó có 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác, gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, RCEP sẽ tạo nên một khu vực thương mại tự do lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP gần 27 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng gần 30% GDP toàn cầu. RCEP trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, hài hòa quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: “RCEP được ký kết, cơ hội xuất khẩu cho DN Việt Nam sẽ được cải thiện”. Theo ông Dương, trong bối cảnh hoạt động thương mại phục hồi, Hiệp định có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng với thị trường ổn định, lâu dài.

Về đầu tư, ông Dương cho rằng, RCEP sẽ tạo thêm động lực cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhanh hơn đến khu vực Đông Nam Á. Bởi, RCEP đặt ASEAN là trung tâm. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có cân nhắc dịch chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. “Với động lực mới từ RCEP cũng như những cơ hội từ các FTA mà Việt Nam tham gia, cơ hội thu hút đầu tư FDI của Việt Nam rất lớn…”, ông Dương nhận định.

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng chỉ ra, RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Hơn nữa, Việt Nam cùng một số nước ASEAN đang trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Các lợi ích này mang ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.

Không những thế, các DN Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do RCEP tạo ra, nếu có thể khai thác triệt để lợi ích do Hiệp định này mang lại.

Không quá lo về nhập siêu

Bên cạnh cơ hội từ RCEP, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, thách thức với các DN Việt Nam không hề nhỏ, thậm chí rất lớn. Theo ông Dương, các nước trong khu vực có đặc điểm khá tương đồng với Việt Nam trong chuỗi giá trị nên sức cạnh tranh giữa các DN là rất lớn.

Báo cáo về thách thức và cơ hội từ RCEP đối với DN Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước đó cũng chỉ ra, trong khu vực kinh tế RCEP, có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc… “Nếu như EVFTA và CPTPP mang lại cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn, hướng đến thị trường khó tính, đưa ra các điều kiện cao giúp DN nội địa biết tự nâng mình lên, nâng chất lượng hàng hóa lên thì RCEP là một thị trường mênh mông hơn, nhưng tiêu chuẩn thấp hơn. Trong đó, Việt Nam cũng phải chuẩn bị cho cạnh tranh khốc liệt hơn”, VCCI nhận định.

Trước đó, trả lời câu hỏi về việc liệu việc Việt Nam ký kết RCEP có làm tăng nguy cơ nhập siêu từ 1 số nước thành viên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, về cơ bản không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Bộ Công Thương cho biết, thực tế, Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP theo các FTA giữa nội khối ASEAN. Vì vậy, việc thực hiện RCEP sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam.

Chuyên đề