Rà soát cuối kỳ áp dụng biện pháp tự vệ phôi thép, thép dài nhập khẩu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 2323/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.

Trước đó, ngày 18/7/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Tiến đến, ngày 20/3/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 918/QĐ-BCT gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Ngày 12/8/2022, căn cứ Điều 69 Nghị định 10/2018/NĐ-CP, Cục Phòng vệ thương mại có Thông báo số 13/TB-PVTM về việc tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu rà soát cuối kỳ biện pháp. Thông báo được đăng tải công khai trên website của Cục Phòng vệ thương mại (Cơ quan điều tra) và Bộ Công Thương.

Ngày 12/8/2022, Cục Phòng vệ Thương mại nhận được Hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo đề nghị của Cơ quan điều tra, ngày 26/10/2022, bên yêu cầu đã bổ sung thông tin trong hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra xác nhận hồ sơ yêu cầu gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đầy đủ và hợp lệ.

Sau khi thẩm định hồ sơ, ngày 4/11/2022, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2323/QĐ-BCT về việc rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu.

Theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 96 Luật Quản lý ngoại thương, thời hạn điều tra rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp tự vệ là không quá 6 tháng kể từ ngày có Quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 6 tháng.

Do đó, tất cả các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan trong vụ việc có thể đăng ký với cơ quan điều tra để trở thành bên liên quan. Bên liên quan sẽ được tiếp cận thông tin lưu hành công khai trong quá trình điều tra, gửi các ý kiến bình luận, thông tin và bằng chứng liên quan đến việc hàng hóa thuộc đối tượng rà soát.

Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc ý kiến của tất cả các bên liên quan một cách khách quan trong quá trình điều tra.

Chuyên đề