Quản lý thách thức, tạo ra giá trị
Hội nghị báo cáo và tham vấn về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức tại Cần Thơ ngày 26/11. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm mang tầm nhìn tích cực, đó là không nhìn nhận vùng ĐBSCL là vùng khó khăn, toàn thách thức mà ngược lại cần coi biến đổi khí hậu, nước biển dâng là điều kiện không thể tránh khỏi, bắt nó phục vụ cho phát triển, điều quan trọng nhất là con người vận dụng, điều chỉnh và kiểm soát chúng thế nào để phát triển.
Dựa trên quan điểm đó, Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ đã xây dựng Dự thảo Quy hoạch với định hướng và mục tiêu vừa “quản lý thách thức”, vừa “tạo ra giá trị”. Quy hoạch được xây dựng với mục tiêu cao nhất là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, thúc đẩy sự phát triển khu vực cân bằng hơn và cải thiện môi trường. Tầm nhìn tổng thể của Quy hoạch là “cộng đồng thịnh vượng và phát triển, cùng nhau biến thách thức thành cơ hội, sử dụng và bảo vệ tài nguyên ĐBSCL”.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định tính dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu, nước biển dâng của khu vực ĐBSCL và nhấn mạnh rằng, không thể “chống” lại xu hướng đó. Quy hoạch vùng ĐBSCL cần phải dựa trên các kịch bản dự báo khác nhau về biến đổi khí hậu của Vùng để lập quy hoạch mới và có hướng đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu theo khía cạnh “ít hối tiếc” và “không hối tiếc”.
TS. Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh quan điểm, ĐBSCL không cần mô hình tăng trưởng mới mà cần mô hình phát triển mới thích nghi và quản lý được các rủi ro từ môi trường, đồng thời có tư duy và cách tiếp cận mới đối với bài toán phát triển của ĐBSCL. Ngoài ra, định hướng phát triển ĐBSCL không thể thiếu sự kết nối với TP.HCM và Đông Nam Bộ và trong 10 năm tới, định hướng này sẽ có hệ quả sâu sắc đối với chiến lược phát triển của ĐBSCL.
Nguyên tắc đầu tư “không hối tiếc”
Tham luận tại Hội nghị, một số địa phương tại ĐBSCL cho biết, nếu phát triển ĐBSCL chỉ tập trung vào nông nghiệp và các lĩnh vực khác mà chưa có đột phá về đầu tư phát triển hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch thì cũng khó phát triển được và ĐBSCL sẽ tiếp tục tụt hậu sâu so với các vùng khác trên cả nước.
Do đó, đại diện của tỉnh Long An kiến nghị đưa vào Quy hoạch các dự án giao thông quan trọng mang tính liên kết vùng, kết nối với TP.HCM bằng các dự án trục động lực TPHCM - Long An - Tiền Giang; dự án kết nối vùng ĐBSCL…
Đại diện của tỉnh Cà Mau đề xuất, cần ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư cho các địa phương trong Vùng theo tiêu chí lựa chọn, tập trung đầu tư các dự án quan trọng, trọng điểm, có tính lan tỏa cao, kết nối Vùng. Việc hình thành các dự án hạ tầng quan trọng của Vùng sẽ tạo điều kiện kết nối thuận lợi với các vùng, đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ (trong đó quan trọng nhất kết nối với TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước) sẽ góp phần tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, góp phần hạ giá thành sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, giảm thời gian đi lại của người dân, sẽ là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL.
Quy hoạch vùng ĐBSCL sau khi được phê duyệt sẽ là cơ sở cho việc điều phối liên kết phát triển vùng và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đảm bảo thực hiện Quy hoạch, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong quá trình lập quy hoạch tỉnh để cụ thể hóa quy hoạch Vùng cũng như trong việc phân bổ nguồn lực đầu tư và xúc tiến đầu tư của từng địa phương.
Một điều đặc biệt quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh là trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước hữu hạn, trong khi nhu cầu tổng thể cho phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu là rất lớn…, thì việc xác định nhu cầu đầu tư, huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đầu tư trong giai đoạn tới cần dựa trên Quy hoạch vùng và phải tuân thủ nguyên tắc “không hối tiếc” trong bối cảnh biến đổi khí hậu và tác động của thượng nguồn có nhiều yếu tố bất định, khó lường.