Dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050: Biến thách thức thành cơ hội

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ công bố với trọng tâm chính là thúc đẩy cải thiện mức sống của Vùng bằng cách hỗ trợ nông nghiệp, chế biến nông sản giá trị gia tăng, cải thiện giao thông và quản lý tài nguyên nước.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thiết kế với mục tiêu vừa “quản lý thách thức”, vừa “tạo ra giá trị”. Quy hoạch được xây dựng với mục tiêu cao nhất là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, thúc đẩy sự phát triển khu vực cân bằng hơn và cải thiện môi trường. Tầm nhìn tổng thể của Quy hoạch là “cộng đồng thịnh vượng và phát triển, cùng nhau biến thách thức thành cơ hội, sử dụng và bảo vệ tài nguyên ĐBSCL”.

Dựa trên quan điểm đó, 4 yếu tố tổng hợp của Quy hoạch Vùng được đưa ra.

Về nông nghiệp, thúc đẩy và hỗ trợ sản xuất số lượng lớn cây trồng có giá trị cao hơn, chất lượng tốt dựa trên sự phù hợp về đất đai và nguồn nước, bằng cách nới lỏng các hạn chế sử dụng đất, hỗ trợ nhiều hơn cho nông dân và thúc đẩy các phương thức canh tác hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Các trung tâm đầu mối nông - công nghiệp được xây dựng nhằm thu gom và tổng hợp các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản địa phương tại các cơ sở tiểu vùng và gia tăng giá trị, thông qua phát triển các trung tâm chế biến, được bố trí hợp lý ở các trung tâm tỉnh, cùng với dịch vụ và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.

Giao thông của Vùng được định hướng cải thiện theo từng giai đoạn đường bộ, vận tải thủy nội địa (ĐTNĐ) và cảng, cũng như hậu cần khu vực, để hỗ trợ các trung tâm chế biến và cải thiện khả năng tiếp cận tổng thể trong khu vực để mang lại lợi ích cho các ngành khác (bao gồm cả công nghiệp).

Nước, bao gồm cả nước ngọt, nước mặn, nước lợ, chính là nguồn tài nguyên thiên nhiên để ĐBSCL phát triển kinh tế. Do đó, việc quản lý nước - bảo vệ vùng nước ngọt lõi và các vùng ven biển, cải thiện chất lượng nước (đặc biệt liên quan đến nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản), thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai là vấn đề được Quy hoạch vùng ĐBSCL đặc biệt nhấn mạnh.

Các lĩnh vực khác như du lịch sẽ được hưởng lợi. Với những điều kiện thuận lợi, Dự thảo Quy hoạch kỳ vọng rằng sản xuất điện, đặc biệt là năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi và mặt trời), sẽ trở thành nguồn thu nhập và việc làm quan trọng cho nhiều tỉnh. Đặc biệt là ở các vùng phía Đông cũng sẽ có tiềm năng phát triển hơn nữa các loại hình công nghiệp khác (ví dụ như quần áo và điện tử) do gần TP.HCM và giá đất rẻ hơn, cũng như khuyến khích sự phát triển lâu dài của dịch vụ tri thức và công nghệ.

Chuyên đề