Phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở thế mạnh về nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 26/11/2020, báo cáo về kết quả tham vấn kỹ thuật đối với các định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; một số nội dung về Chương trình phát triển chính sách (DPO) và các dự án liên kết vùng của ĐBSCL của Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ đặc biệt được quan tâm.

Đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh. Ảnh: Gia Phú
Đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh. Ảnh: Gia Phú

Theo Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ, qua quá trình tham vấn ý kiến bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng ĐBSCL trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh.

Đồng thời, phát huy tiềm năng và lợi thế của các ngành kinh tế biển; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chống chịu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH); khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn".

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, cần có ý kiến đồng thuận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trước khi hoàn thiện.

Cụ thể, việc có nên xác định vùng ĐBSCL sẽ trở thành một vùng tương đối độc lập, có hạ tầng kết nối quốc gia, quốc tế riêng để đảm bảo tính tự chủ cao hơn từ sản xuất, chế biến cho đến phân phối, xuất khẩu; hay là xem vùng ĐBSCL như một vùng kinh tế mở, liên kết chặt chẽ với vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ để trở thành một khối thống nhất cho toàn bộ khu vực phía Nam. Bởi nội dung này liên quan đến định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải của Vùng, đặc biệt là đề xuất xây dựng cảng biển nước sâu ở vùng ĐBSCL.

Một trong những điểm mới trong Dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL là phương án phân tiểu vùng. Thay cho việc phân tiểu vùng chỉ dựa trên 2 vùng chính là vùng ngọt và vùng mặn trong các quy hoạch trước đây, việc phân tiểu vùng theo Dự thảo Quy hoạch đã được điều chỉnh theo hướng coi nước mặn, nước lợ là nguồn tài nguyên bên cạnh nước ngọt, phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 120 - Biến thách thức thành cơ hội, chủ động thích ứng với BĐKH và xu hướng xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.

Thế nhưng, một số địa phương còn chưa hoàn toàn thống nhất với định hướng chuyển đổi sinh kế nông nghiệp ở một số khu vực đang trồng lúa sang các mô hình sinh kế khác phù hợp hơn với điều kiện hạn mặn gia tăng do thói quen, tập quán về trồng lúa của người dân đã tồn tại ổn định trong thời gian dài. Liên quan đến vấn đề này, nhiều hệ thống nhân tạo, công trình thủy lợi lớn hiện hữu có thể phải từng bước chuyển đổi công năng hoặc dỡ bỏ để phù hợp với định hướng phân tiểu vùng mới.

Một số nội dung còn ý kiến khác nhau, nên cần có sự đồng thuận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trước khi hoàn thiện. Ảnh: Gia Phú

Một số nội dung còn ý kiến khác nhau, nên cần có sự đồng thuận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trước khi hoàn thiện. Ảnh: Gia Phú

Về các trung tâm đầu mối, đa số ý kiến thống nhất với việc phải phát triển các trung tâm đầu mối để nâng cao hiệu quả, giá trị của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về sự phù hợp về vị trí, chức năng của một số trung tâm đầu mối. Đồng thời, một số ý kiến quan ngại về tính khả thi của việc phát triển các trung tâm đầu mối này về mô hình tổ chức, cách thức vận hành, phân tích đánh giá về năng lực hiện tại và khả năng phát triển của các khu vực dự kiến đặt các trung tâm đầu mối...

Riêng định hướng phát triển đô thị, còn có ý kiến khác nhau về việc nên tập trung phát triển chuỗi đô thị động lực dọc sông Tiền, sông Hậu kết nối với vùng Đông Nam Bộ và TP.HCM về phía Đông và kết nối với Campuchia về phía Tây; hoặc phát triển đô thị theo mô hình phân tán nhằm hướng tới sự phán triển cần bằng, đồng đều trên toàn Vùng. Đây là một nội dung quan trọng ảnh hưởng đến phương hướng tổ chức không gian phát triển của Vùng; đồng thời đòi hỏi sự thống nhất của các địa phương trong quá trình thực hiện quy hoạch, đặc biệt là định hình không gian phát triển của các tỉnh, thành phố theo hướng gia tăng mật độ ở các khu vực ưu tiên phát triển theo Quy hoạch Vùng đã đề ra. Điều này nhằm tránh tình trạng phát triển phân tán, rời rạc, thiếu gắn kết giữa các địa phương, làm giảm hiệu quả của các dự án đầu tư phát triển hạ tầng về liên kết vùng, qua đó ảnh hưởng đến tổng thể phát triển của toàn Vùng.

Liên danh tư vấn Royal Haskoning DHV & GIZ cho biết, qua tổng hợp cho thấy, nhìn chung các dự án liên kết vùng đã đáp ứng được theo đối tượng và tiêu chí của Nghị quyết số 973 và Chương trình DPO, sau khi hoàn thành sẽ là một động lực giúp các địa phương tạo đà phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số vấn đề cần trao đổi.

Một là, việc xem xét, điều chỉnh Quy hoạch theo Quyết định 129 và đưa vào Quy hoạch vùng ĐBSCL tuyến đường ven biển bảo đảm tính kết nối, liên tục của tuyến đường, kết hợp nhiều công năng, tận dụng các cầu lớn gần các cửa sông, nhất là các địa phương như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Hai là, về quy mô các dự án. Một số dự án đang có quy mô vượt khả năng cân đối như các dự án cầu tại Bến Tre (nhu cầu hơn 10.000 tỷ đồng). Do nguồn lực có hạn nên một số tuyến sẽ không thực sự phát huy tối đa hiệu quả do chỉ đủ nguồn để thực hiện trong nội tỉnh, chưa nối sang các tỉnh lân cận, các tuyến đường chưa vào cấp (ví dụ như tuyến Cần Thơ - Hậu Giang; Cần Thơ - Kiên Giang; Tiền Giang - Long An; Bến Tre - Trà Vinh).

Ba là, về tính kết nối. Cần có sự thống nhất của các địa phương trên toàn Vùng về hướng tuyến, đảm bảo tính kết nối giữa các địa phương nhằm phát huy tối đa hiệu quả của dự án.

Bốn là, về phân kỳ đầu tư. Đề nghị các địa phương lựa chọn thật sự các tuyến ưu tiên để đầu tư, trong trường hợp cần thiết đề nghị mở rộng khoản vay để có thêm nguồn lực hỗ trợ các dự án đặc biệt cần thiết của các địa phương.

Năm là, về danh mục. Do danh mục các dự án liên vùng cần thông qua ý kiến của Hội đồng Vùng, vì vậy các địa phương cần có cơ chế phối hợp để thống nhất trước khi trình Hội đồng Vùng thông qua.

Chuyên đề