Ảnh minh họa. |
TT10 chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/9/2016, được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan trong quá trình tổ chức giám sát, theo dõi và kiểm tra hoạt động đấu thầu.
Trước đây, khi Luật Đấu thầu 2005 và Nghị định số 85/2009/NĐ-CP được ban hành thì hoạt động kiểm tra về đấu thầu đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 01/2011/TT-BKHĐT(TT01). Tuy nhiên, sau khi Luật Đấu thầu 2013 được Quốc hội thông qua, các quy định mới về giám sát, theo dõi cũng như các quy định về kiểm tra hoạt động đấu thầu mới được quy định tại Luật Đấu thầu 2013 và NĐ63 chưa được hướng dẫn chi tiết thi hành. Việc ban hành TT10 nhằm thống nhất về quy trình và nội dung thực hiện công tác giám sát, theo dõi và kiểm tra đấu thầu, đồng thời phù hợp với quy định của Luật và Nghị định là hết sức cần thiết.
So với TT01 trước đây thì TT10 mới được ban hành có nhiều quy định mới, rõ ràng và cụ thể hơn, cơ bản bao quát toàn bộ quá trình giám sát, theo dõi, kiểm tra, phù hợp với thực tiễn yêu cầu.
Cụ thể, một là, TT10 mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung các quy định mới về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu.
Luật Đấu thầu 2013 đã có quy định về giám sát, theo dõi hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu (Điều 73, Điều 81, Điều 87), riêng đối với người có thẩm quyền thì việc giám sát hoạt động đấu thầu là công việc mang tính thường xuyên nhằm bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tuân thủ đúng pháp luật (Điều 87). Các nội dung giám sát, theo dõi và phương thức thực hiện được quy định tại các Điều 126 NĐ63 và Điều 96 NĐ30. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi Luật và các Nghị định nêu trên được ban hành, hoạt động giám sát, theo dõi hầu như vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, các quy định mang tính hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung, cụ thể hóa về quy trình và trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương tại TT10 (Điều 3, 9, 10, 11,12, 33, 34 và 35) sẽ tạo thuận lợi cho người có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu trong việc triển khai thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động này. Đặc biệt, khi thực hiện việc giám sát, theo dõi, ngoài việc “tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan, kịp thời và bảo mật thông tin”, phải đảm bảo nguyên tắc “không can thiệp, không gây phiền hà, cản trở quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu”.
Cụ thể, TT10 mở rộng phạm vi kiểm tra, bổ sung các nội dung về kiểm tra đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư trong tất cả các khâu, từ lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư và việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; bổ sung quy định về thời gian người đứng đầu cơ quan kiểm tra phê duyệt Kết luận kiểm tra…
TT10 cũng quy định cụ thể về trách nhiệm bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kiểm tra hoạt động đấu thầu. Cụ thể, Bộ KH&ĐT chủ trì, tổ chức kiểm tra trên phạm vi cả nước đối với các hoạt động đấu thầu. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương chỉ đạo hoạt động kiểm tra đối với việc lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư,… tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc và đối với các dự án/dự toán mua sắm do mình quyết định.
Ở địa phương, hoạt động kiểm tra đấu thầu bao gồm kiểm tra đào tạo về đấu thầu, kiểm tra việc lập và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư,… tại các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và các dự án/dự toán mua sắm thuộc phạm vi quản lý của địa phương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, tổ chức hoặc chỉ đạo Sở KH&ĐT tổ chức thực hiện.
Và TT10 đã bổ sung 4 Phụ lục gồm 26 biểu mẫu liên quan nhằm thống nhất áp dụng đối với tất cả các Đoàn kiểm tra hoạt động đấu thầu của từng Bộ, ngành, địa phương hoặc doanh nghiệp nhà nước.