PVcomBank sốt sắng xin điều chỉnh phương án tái cấu trúc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh, bổ sung các giải pháp cấu trúc lại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), nhà băng đang gánh trên vai dư nợ cho vay lớn liên quan đến Vinashin, Vinalines.
PVcomBank đề xuất giãn thời gian thực hiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng đến năm 2030. Ảnh minh họa: Quỳnh Anh
PVcomBank đề xuất giãn thời gian thực hiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng đến năm 2030. Ảnh minh họa: Quỳnh Anh

Được biết, sau khi PVcomBank lên phương án xin chỉnh sửa, bổ sung thời hạn, giải pháp để tái cấu trúc các khoản nợ vay phát sinh trước khi hợp nhất, Ngân hàng Nhà nước đã lấy ý kiến của các bộ, ngành và trình Chính phủ xem xét quyết định.

Kể từ khi ra đời do hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (Western Bank), PVcomBank đã gánh trên vai trách nhiệm xử lý các khoản nợ lớn, trong đó nổi bật là khoản nợ của hai tập đoàn kinh tế, khách hàng cũ của Western Bank là Vinashin với 1.068 tỷ đồng (khoản vay năm 2009) và Vinalines với 1.745 tỷ đồng (khoản vay năm 2011).

Năm 2013, thời điểm PVcomBank ra đời, hoạt động của ngân hàng này chưa thực sự nổi bật, phải đến năm 2016, khi Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2016 - 2020, nhà băng này mới thực sự được quan tâm. Theo báo cáo về kết quả triển khai Đề án, trong 5 năm thực hiện nhiệm vụ tái cấu trúc, giá trị thu hồi, xử lý nợ của PVcomBank đạt 63,6% kế hoạch đề ra.

Tính đến hết ngày 31/12/2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng tăng 27% so với đầu năm, ghi nhận gần 2.627 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất đến 45%, nợ có khả năng mất vốn tăng 26%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng mạnh từ 2,63% lên 3,12%.

Trong báo cáo tài chính cuối năm 2020, PVcomBank vẫn có tổng số dư nợ gốc của Vinashin là hơn 417 tỷ đồng, Vinalines là 880 tỷ đồng…

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, PVcomBank cho biết đã chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng đến năm 2030 và đưa phương án này ra lấy ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, các bộ liên quan để trình Chính phủ xem xét.

Theo đó, PVcomBank đề xuất giãn thời gian thực hiện phương án cơ cấu lại Ngân hàng đến năm 2030; giãn thời gian thực hiện các kiến nghị chưa được khắc phục tại các kết luận thanh tra của Ngân hàng Nhà nước với lộ trình từ năm 2021 đến năm 2030.

PVcomBank đề xuất được giữ nguyên nhóm nợ chốt đến ngày 31/12/2020 đối với các khách hàng nằm trong phương án cơ cấu lại, gồm nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ theo Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012 và Thông tư 09/2014/TT-NHNN ngày 18/3/2014; nợ của các khoản thuộc Đề án Tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2016 - 2020 được giữ nguyên nhóm nợ; nợ tiềm ẩn nợ xấu; uỷ thác đầu tư trả chậm cán bộ nhân viên dầu khí…

Ngoài ra, Ngân hàng xin gia hạn thời gian trái phiếu đặc biệt Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã phát hành năm 2018 từ 5 năm thành 10 năm; xin giãn thời gian thực hiện tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đến năm 2029.

Đồng thời, PVcomBank muốn duy trì lợi nhuận để lại mỗi năm ở mức độ phù hợp; giãn thời gian niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung trong giai đoạn thực hiện phương án cơ cấu lại.

Nhìn vào báo cáo tài chính năm 2020 và quý II/2021, có thể thấy qua 5 năm thực hiện khoanh nợ, nhóm nợ của các khách hàng như Vinashin, Vinalines… vẫn còn khá lớn. Việc bán nợ giữa PVcomBank với VAMC hay Tổng công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) dù bước đầu có kết quả song vẫn khó khăn. Chính vì thế, việc xử lý nhóm nợ này sẽ mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của PVcomBank.

Việc Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ cho bổ sung giải pháp để tái cấu trúc nợ có thể giúp PVcomBank giảm bớt khó khăn, áp lực từ các khoản nợ. Tuy nhiên, nếu việc cơ cấu lại không được thực hiện hiệu quả theo từng năm hoặc giai đoạn, gánh nặng của phương án tái cấu trúc sẽ đeo đẳng và có thể ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh cũng như “sức khoẻ” của ngân hàng này.

Chuyên đề