Chương trình PPP được kỳ vọng sẽ triển khai thành công để bù đắp khoảng trống về nguồn lực đầu tư cho giai đoạn tới |
Khơi thông đầu tư theo hình thức này không chỉ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực, mà còn giúp tận dụng công nghệ, sáng tạo từ khu vực tư nhân để nâng cao chất lượng dịch vụ, công trình công. Có thể nói, PPP là cơ hội để phát triển của cả Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân.
Nhiều nỗ lực triển khai PPP
Năm 2016, nhiều nỗ lực thúc đẩy đầu tư theo hình thức PPP đã được thực hiện, tạo tiền đề để thực hiện mạnh mẽ hơn các dự án PPP trong giai đoạn tới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo rất quyết liệt như thành lập mới Ban Chỉ đạo cấp nhà nước về PPP do Phó Thủ tướng Trịnh Định Dũng làm Trưởng ban. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành Quy chế hoạt động tại Quyết định số 369/QĐ-BCĐPPP ngày 23/11/2016. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo là yêu cầu quan trọng giúp thúc đẩy chương trình PPP trong thời gian tới.
Cũng trong năm 2016, Danh mục 108 dự án PPP ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 với tổng mức đầu tư lên tới 375.000 tỷ đồng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có 26 dự án đặc biệt ưu tiên cấp quốc gia với tổng mức đầu tư 255.000 tỷ đồng, nhu cầu vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện khoảng 97.000 tỷ đồng. Đây là những dự án về cơ bản có khả năng thu hồi vốn, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Việc lựa chọn được danh mục dự án có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho việc triển khai chương trình PPP thời gian tới.
Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị đã khá tích cực trong việc triển khai các dự án PPP như Bộ Giao thông vận tải (đối với các dự án thuộc lĩnh vực giao thông), Bộ Công Thương (đối với các dự án thuộc lĩnh vực điện), UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP.HCM, UBND TP. Đà Nẵng.
Vẫn còn nhiều lực cản
Tuy đã có nhiều nỗ lực triển khai các dự án PPP, nhưng kết quả đạt được theo Bộ KH&ĐT là chưa được như kỳ vọng, bởi còn nhiều lực cản, nhiều khó khăn và nhiều cái thiếu.
Đầu tiên phải kể đến là thiếu quyết tâm chính trị và đồng thuận của các cấp trong triển khai. Định hướng tạo mọi điều kiện và nguồn lực để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân đã được nêu rõ trong các văn kiện, nghị quyết và văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các định hướng, đường lối chưa được cụ thể hóa bằng hành động trong quá trình lựa chọn dự án tốt, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công và nhân sự phù hợp để triển khai. Thêm vào đó, sự ủng hộ, đồng thuận và quyết tâm của các bộ, ngành để cùng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai các dự án PPP còn rất hạn chế - ngay cả đối với những dự án đã được Chính phủ xác định là dự án PPP tiên phong.
Môi trường đầu tư PPP tại Việt Nam vẫn chưa đảm bảo tính cạnh tranh, minh bạch theo cơ chế thị trường, trong đó, việc chỉ định nhà đầu tư gắn liền với nguồn vốn của ngân hàng thương mại đầu tư các dự án PPP trong thời gian qua đã làm cho chương trình PPP tại Việt Nam giảm tính cạnh tranh, minh bạch và hấp dẫn để thu hút được nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân, đặc biệt là nước ngoài, theo đúng cơ chế thị trường.
Các dự án PPP cũng đang rất thiếu nguồn lực và các công cụ tài chính để thực hiện đầu tư và bảo lãnh rủi ro cho nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình PPP trong năm qua là Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương không có nguồn lực tài chính để chuẩn bị tốt các dự án trước khi đưa ra thị trường cũng như vốn để tham gia đầu tư.
Mở cơ hội cho cả Nhà nước và nhà đầu tư
Để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, quan trọng nhất chính là tìm cách để khơi thông các nguồn lực. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhận định nguồn lực để cơ cấu lại nền kinh tế có thể có đủ nếu có những chính sách hiệu quả để thu hút nguồn lực tư nhân, trong đó, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh áp dụng hình thức PPP. Theo đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, hình thức PPP không chỉ giúp có thêm nguồn lực đầu tư, mà còn là cách chống lãng phí, tiêu cực trong chi ngân sách và đầu tư công.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Ninh, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, đã nhấn mạnh việc triển khai các dự án PPP góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư trong khi ngân sách của Tỉnh còn hạn chế; giảm các khoản nợ công và có kinh phí đầu tư vào các công trình động lực của Tỉnh. Theo tính toán của tỉnh Quảng Ninh, với PPP, ngân sách tỉnh bỏ ra 1 đồng, sẽ thu hút được hơn 10 đồng vốn của doanh nghiệp, tư nhân tham gia đầu tư.
Không chỉ Quảng Ninh, có lẽ đến thời điểm này, sau nhiều năm đi từ thí điểm sang chính thức, nhận thức về vai trò của đầu tư theo hình thức PPP đã khá rõ ràng. Thế nhưng, nếu không gỡ bỏ được các rào cản, không giải quyết được những cái còn thiếu, thì triển khai PPP sẽ vẫn còn bế tắc. Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ các quy định vướng mắc tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP; bố trí nguồn lực tài chính và sử dụng các công cụ bảo đảm đầu tư; tập trung thực hiện một số dự án PPP đặc biệt ưu tiên; khơi thông nguồn vốn chuẩn bị dự án PPP...
Những nỗ lực của năm 2016, những giải pháp sẽ được thực hiện trong thời gian tới, hy vọng sẽ giúp chương trình PPP triển khai thành công, bù đắp khoảng trống về nguồn lực đầu tư cho giai đoạn tới. Có lẽ có cơ sở để tin tưởng, khi mà Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đã đặt việc bố trí vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP ở vị trí thứ hai trong thứ tự ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước. Và gần đây, trước đông đảo doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định, Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ; kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chủ động, tích cực tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế thông qua đa dạng hóa các hoạt động đầu tư, trong đó chú trọng hình thức PPP.