Phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh bền vững hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Covid-19 bùng phát là yếu tố bất định nhưng là phép thử cho thấy còn nhiều khoảng trống trong phát triển bền vững (PTBV) của doanh nghiệp (DN) hiện nay. Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau Covid-19, nhưng không phải là gượng dậy trên con đường cũ, mà phục hồi trên con đường mới, PTBV hơn.
Để hướng tới một thập niên phát triển bền vững tốt hơn, Chính phủ và doanh nghiệp cần ưu tiên tối đa việc chuyển đổi số. Ảnh minh họa: Internet
Để hướng tới một thập niên phát triển bền vững tốt hơn, Chính phủ và doanh nghiệp cần ưu tiên tối đa việc chuyển đổi số. Ảnh minh họa: Internet

Covid-19 - Phép thử về độ bền vững

Làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19 đang gây ra những hệ quả hết sức nặng nề đến đời sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn quốc, khiến "sức khỏe" của DN bị suy giảm rõ rệt.

Qua 4 đợt dịch, theo ông Nguyễn Quang Vinh - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng DN vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD), DN đang dần kiệt sức và “cạn” tiền. Nhìn từ góc độ PTBV, có thể thấy DN đang mất cân bằng giữa 3 trụ cột: vốn tài chính, vốn xã hội và vốn môi trường. Đại dịch đang ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nguồn vốn tài chính và nguồn vốn xã hội của DN. Cùng với cạn tiền, khủng hoảng nhân sự là những vấn đề cốt tử của DN hiện tại. Bên cạnh yếu tố tác động tiêu cực từ đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, thì khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng yếu kém cũng là một nguyên nhân lớn.

Song phép thử Covid-19 trong 20 tháng qua còn cho thấy, các DN thực hiện chiến lược PTBV nói chung, và áp dụng Bộ chỉ số DN bền vững (CSI) nói riêng có sức chống chịu tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung. Họ đã tự tạo ra “kháng thể” trước đại dịch, duy trì sức bền dẻo dai, ổn định hoạt động và tăng trưởng trong kinh doanh, hỗ trợ đắc lực cho Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu kép. Hầu hết các DN này đã tập trung vào 3 ưu tiên, đó là an toàn cho nhân viên, tối ưu hóa nguồn cung cấp sản phẩm để đảm bảo tính liên tục trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch... Chính vì thế, khả năng phục hồi của những DN này cũng cao hơn.

Mặc dù không tránh khỏi những ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, mới đây, Nestle vẫn cam kết tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam với khoản đầu tư trên 130 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên trên 730 triệu USD trong 2 năm tới. Mục tiêu là tăng gấp đôi công suất sản xuất cafe hòa tan phục vụ xuất khẩu, mở rộng nhà máy sản xuất cafe khử cafein (decaf) để trở thành nhà máy decaf lớn nhất của Nestle trên toàn thế giới.

Tái cấu trúc DN để phục hồi bền vững sau Covid-19

Mục tiêu PTBV, phát triển xanh đã được Chính phủ đặt ra và triển khai trong nhiều năm qua thông qua các kế hoạch hành động quốc gia SDG 2030 với các lộ trình thực hiện cụ thể đến năm 2030... Về phía DN, năm 2020 đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030. Theo kế hoạch, sắp tới Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Thống kê, trong đó dự kiến bổ sung chỉ số đo lường về PTBV. Chính phủ cũng đang sửa đổi để ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình Hỗ trợ DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2021 - 2025...

Tuy nhiên, theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Đức Hiếu, nếu chỉ có Chính phủ làm mà DN không làm thì không thể tạo ra được sự thay đổi. Đòi hỏi từ thực tế hiện nay cho thấy, nhất là bối cảnh tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngay cả khi không có chính sách của Chính phủ thì bản thân DN cũng phải thay đổi, hướng tới sự PTBV. PTBV là lợi ích tăng thêm cho DN, làm tăng tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí - đây là lợi ích của chính DN. Hiện nay, thói quen của người tiêu dùng đã có sự thay đổi mạnh mẽ, hướng tới tiêu dùng xanh, sạch và hoàn hảo. Chính sách ở một số nơi như Mỹ, châu Âu đang có xu thế đánh thuế đối với sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất xanh (ô tô điện...); đánh thuế đối với sản phẩm sắt, thép...; hay từ năm 2023 sẽ bắt đầu đánh thuế carbon qua biên giới đối với cả những sản phẩm hữu hình và vô hình. Nhờ sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, họ có thể xác định được một áo sơ mi thải ra bao nhiêu carbon mỗi ngày...

“Nếu DN không PTBV, thì chắc chắn chi phí sẽ tăng, kéo theo cơ hội kinh doanh giảm. Mặt khác, DN còn bị loại, không được thụ hưởng những gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ khuyến khích DN phát triển xanh và bền vững sẽ triển khai trong thời gian tới”, ông Phan Đức Hiếu nhận định.

Theo ông Hiếu, thông điệp quốc tế hiện nay là phục hồi sản xuất, kinh doanh sau Covid-19, nhưng không phải là gượng dậy trên con đường cũ, mà phục hồi trên con đường mới, PTBV hơn.

Theo một kết quả khảo sát của VCCI năm 2021, Việt Nam có 50% DN cho biết sẽ đào tạo tốt hơn quản lý và nhân viên về rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu. Kế đến, 36% DN cho biết sẽ mua nguyên liệu đầu vào từ những nhà sản xuất thân thiện với môi trường. Khoảng 1/3 số DN (33%) sẽ ứng dụng công nghệ sạch hơn cho sản xuất. Đáng lưu ý, có tới 10% DN sẽ tuyển nhân viên phụ trách việc tuân thủ các quy định về môi trường.

Tuy nhiên, theo ĐBQH Phan Đức Hiếu, sắp tới, DN cần phải hành động mạnh mẽ hơn. Ngoài việc cần có chiến lược phát triển như chiến lược Storm 2.0 của Nestle, các DN mà còn phải tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, không chỉ để ứng phó với Covid-19, duy trì sản xuất kinh doanh, mà còn phải hướng đến tái cơ cấu mô hình kinh doanh bền vững hơn.

Để hướng tới một thập niên PTBV tốt hơn, theo đề xuất của chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Dorsati Madani, Chính phủ và DN cần ưu tiên tối đa việc chuyển đổi số. Đây là một trong những trụ cột quan trọng giúp tăng trưởng kinh tế bền vững hơn, đồng thời nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề