Năm 2017, toàn tỉnh Phú Thọ thực hiện chỉ định thầu cho 2.358 gói thầu (chiếm tỷ lệ 82%) trong tổng số 2.860 gói thầu. Ảnh: Tường Lâm |
Sai phạm ở nhiều khâu, nhiều bước đấu thầu
Sở KH&ĐT Phú Thọ cho biết, trong năm 2017, Sở đã triển khai 1 cuộc kiểm tra và 1 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch. Qua thanh tra xác suất 30 công trình, dự án trên địa bàn đã phát hiện nhiều sai phạm, tồn tại trong công tác đấu thầu của các chủ đầu tư, nhất là các chủ đầu tư cấp huyện và cấp xã. Kết quả thanh tra của Sở KH&ĐT Phú Thọ cho thấy, việc sai phạm trong đấu thầu diễn ra ở nhiều khâu, nhiều bước khác nhau trong quá trình lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, công tác lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch và kết quả lựa chọn nhà thầu ở nhiều công trình, dự án không tuân thủ theo mẫu, không tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Về thông tin đấu thầu, các chủ đầu tư ở Phú Thọ còn để xảy ra sai phạm nghiêm trọng là không thông báo mời thầu, không thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu. Theo quy định pháp luật về đấu thầu, các gói thầu có hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh, đấu thầu hạn chế thì phải đăng tải công khai thông báo mời thầu, thông báo mời chào hàng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Báo Đấu thầu. Việc một số chủ đầu tư ở Phú Thọ không thực hiện công khai thông báo mời thầu mà vẫn chọn được nhà thầu trúng thầu, thực hiện công trình, dự án là đấu thầu “chui”, vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về đấu thầu, có sự thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư với nhà thầu trúng thầu.
Bên cạnh đó, Sở KH&ĐT Phú Thọ cũng cho biết, qua thanh tra, kiểm tra 30 dự án, công trình thì vẫn tồn tại câu chuyện chủ đầu tư không tiến hành thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, thể thức và nội dung của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa tuân thủ theo mẫu.
Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, một số bên mời thầu còn quy định thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu không đảm bảo quy định về thời gian trong đấu thầu. Trong khi đó, một số hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu nhưng tổ chuyên gia đấu thầu vẫn chấm đạt.
Qua thanh tra, Sở KH&ĐT Phú Thọ khẳng định, hầu hết các gói thầu cấp xã làm chủ đầu tư ở Phú Thọ đều không thực hiện biện pháp bảo đảm dự thầu theo quy định. Tổ chuyên gia đấu thầu hoạt động không tuân thủ theo quy định, vừa làm công tác lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, vừa làm công tác thẩm định. Các chủ đầu tư thì không tổ chức thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.
Tiết kiệm thấp qua đấu thầu
Sở KH&ĐT Phú Thọ cũng cho biết, năm 2017, Phú Thọ đã tổ chức đấu thầu 2.860 gói thầu, tổng giá gói thầu được duyệt là 3.551.853 triệu đồng, tổng giá trúng thầu là 3.523.432 triệu đồng, chênh lệch giảm 28.421 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm chung chỉ 0,8%. Qua theo dõi, tìm hiểu về con số tiết kiệm trong đấu thầu của nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành trên cả nước thì so với mặt bằng chung, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu của tỉnh Phú Thọ chưa đạt đến 1% là quá thấp.
Trong số 2.860 gói thầu được Phú Thọ tổ chức lựa chọn nhà thầu năm 2017 thì có 237 gói thầu được đấu thầu rộng rãi (chiếm tỷ lệ 8% tổng số gói thầu) với tổng giá gói thầu 2.600.504 triệu đồng, tổng giá trúng thầu 2.578.174 triệu đồng, chênh lệch giảm 2.230 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm siêu thấp 0,08%.
Năm 2017, Phú Thọ thực hiện chỉ định thầu cho 2.358 gói thầu (chiếm tỷ lệ 82%) trong tổng số 2.860 gói thầu, tổng giá gói thầu là 432.233 triệu đồng và tổng giá trúng thầu là 427.835 triệu đồng, chênh lệch giảm 4.398 triệu đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 1%. Như vậy, con số tiết kiệm qua chỉ định thầu của tỉnh Phú Thọ năm 2017 mặc dù ở mức thấp nhưng còn cao hơn cả con số tiết kiệm thông qua đấu thầu rộng rãi. Số ít các gói thầu còn lại được thực hiện theo hình thức đấu thầu hạn chế (08 gói thầu); chào hàng cạnh tranh (199 gói thầu), tự thực hiện (53 gói thầu), gói thầu có sự tham gia của cộng đồng (6 gói thầu), đấu thầu qua mạng (4 gói thầu).
Sở KH&ĐT Phú Thọ cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng từ khâu chuẩn bị, thực hiện và kết thúc đầu tư, trong đó chú trọng công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, thẩm định, thực hiện hợp đồng, đặc biệt đối với các dự án thuộc thẩm quyền cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư.