Gói thầu Mua thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ có giá trúng thầu chỉ bằng 30,3% giá gói thầu. Ảnh minh họa - Nguồn Internet |
Mức chênh lệch lên đến 70%
Tổng hợp kết quả lựa chọn nhà thầu đăng trên Báo Đấu thầu trong thời gian gần đây cho thấy, một số gói thầu có giá trúng thầu chỉ bằng 1/2 giá gói thầu được phê duyệt, thậm chí chỉ bằng 30%.
Trong đó, có thể kể đến Gói thầu No.20326 - Cung cấp dịch vụ khảo sát đường ống biển bằng sóng siêu âm quét sườn (side scan sonar) cho NCSP, giá trúng thầu giảm tới 57% so với giá gói thầu. Đây là gói thầu do Chi nhánh Tổng công ty – Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn làm bên mời thầu. Tại Gói thầu Dầu DO 0,05%S, giá trúng thầu giảm tới 59% so với giá gói thầu. Gói thầu này thuộc Dự án Mua sắm vật tư chính, vật liệu nổ, vật tư khoan, đường sữa và các dịch vụ năm 2016 – Nhà máy Xi măng Sông Thao, do Công ty CP Xi măng Sông Thao làm bên mời thầu...
Thậm chí, có nhiều trường hợp giá trúng thầu chỉ bằng khoảng 30% giá gói thầu được phê duyệt. Đơn cử như: Gói thầu Mua thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ thuộc Dự án Mua thiết bị kiểm tra phóng điện cục bộ do Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội làm bên mời thầu (giá trúng thầu chỉ bằng 30,3% giá gói thầu); Gói thầu Bảo hiểm công trình thuộc Dự án Tuyến ống cấp 2 đường Tân Túc (Sài Gòn Trung Lương - Quốc lộ 1A) do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV làm bên mời thầu…
Một số chuyên gia cho rằng, về cơ bản, giá trúng thầu càng thấp thì giá trị tiết kiệm cho ngân sách nhà nước là càng cao. Tuy nhiên, thực tế, đối với những gói thầu có giá trúng thầu thấp hơn giá gói thầu với mức chênh lệch quá lớn, thậm chí chênh lệch lên đến 70%, thì cần xem lại công tác lập dự toán giá gói thầu và đề phòng một số vấn đề liên quan khác…
Lập dự toán có chuẩn xác?
Theo một chuyên gia tư vấn độc lập về đấu thầu, trong quá trình lựa chọn nhà thầu, khi thấy giá chào thầu thấp bất thường thì phải xem xét, đánh giá lại cả từ hai phía, chủ đầu tư và nhà thầu. Về phía chủ đầu tư, theo chuyên gia này, trước tiên, chủ đầu tư/bên mời thầu phải xem lại giá gói thầu đã được cập nhật theo thời giá, tính đúng, tính đủ các yếu tố hay chưa; nội dung gói thầu có gì thay đổi không… Nếu xét thấy cần thiết, chủ đầu tư có thể cập nhật giá gói thầu trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu.
Như vậy, “pháp luật về đấu thầu đã quy định khá đầy đủ đối với việc xử lý các tình huống trong đấu thầu”, nhưng vấn đề là chủ đầu tư/bên mời thầu có muốn hoặc có đủ năng lực để tuân thủ các quy định của pháp luật hay không?”, TS. Trần Tiến Dũng (chuyên gia tư vấn độc lập về đấu thầu) đặt nghi vấn.
Trong nhiều trường hợp, theo TS. Trần Tiến Dũng, giá gói thầu cao hơn nhiều so với giá thị trường là do yếu tố chủ quan của người làm công tác đấu thầu và người có thẩm quyền phê duyệt giá gói thầu. Có thể, thời điểm lập dự toán là năm 2014, nhưng đến thời điểm cuối năm 2015 mới tổ chức lựa chọn nhà thầu, thì giá dự toán ban đầu có thể không còn phù hợp, cao hơn rất nhiều so với thực tế. Tuy nhiên, người phụ trách công tác đấu thầu lại ngại trình người có thẩm quyền để phê duyệt lại giá dự toán và người có thẩm quyền phê duyệt cũng không hiểu rõ công tác đấu thầu.
Nhà thầu có cố tình “phá giá”?
Theo TS. Trần Tiến Dũng, bên cạnh trường hợp chủ đầu tư/bên mời thầu khai “vống” giá gói thầu, thực tế còn cho thấy không ít trường hợp nhà thầu cố tình “phá giá” thị trường, đoạt thầu bằng cách bỏ giá với mức thấp không tưởng, rồi sau đó tìm mọi cách để bòn rút sắt, thép, xi măng… Ví dụ, lúc đầu, nhà thầu chào thầu 30 cây thép nhưng thực tế thi công chỉ có 20 cây, lúc đầu chào thép phi 18 nhưng thi công lại chỉ dùng thép phi 16…
“Một đất nước muốn phát triển thì rất cần tới đạo đức của các nhà thầu, đồng thời xã hội cần phải kịch liệt lên án những nhà thầu “nói một đằng, làm một nẻo”. Và muốn phát triển bền vững, bản thân nhà thầu phải thay đổi tư duy, lấy uy tín, chất lượng, công nghệ làm hàng đầu; thi thố bằng chính năng lực, trình độ quản lý, tổ chức quản lý, tiết kiệm chi phí…”, TS. Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.
Để phòng ngừa rủi ro, một chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư/bên mời thầu phải nâng cao bảo đảm thực hiện hợp đồng để ràng buộc nhà thầu, tránh trường hợp nhà thầu cố tình chào giá thấp để trúng thầu bằng mọi cách. Theo TS. Trần Tiến Dũng, pháp luật về đấu thầu quy định, chủ đầu tư có thể đề phòng rủi ro bằng cách quy định giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng lớn hơn 10% nhưng không quá 30% giá trúng thầu và phải được người có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh tới việc phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện cam kết trong quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu trúng thầu bỏ giá thấp, tránh trường hợp nhà thầu gian lận.