Công tác cổ phần hoá, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra. |
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2018, cả nước đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 19 doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).
Từ khi ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 về Phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 đến nay, đã có 35 doanh nghiệp nhà nước và 32 doanh nghiệp thuộc 02 Tập đoàn (EVN, TKV) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 07 Tập đoàn, Tổng công ty.
Về tình hình cổ phần hóa, trong năm 2018 (tính đến ngày 20/12/2018), có 15 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó cổ phần hóa 13 DNNN và 02 đơn vị sự nghiệp.
Tổng giá trị doanh nghiệp là 29.934 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.543 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 18.477 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 11.204 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 2.293 tỷ đồng; đấu giá công khai 4.843 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 125 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 5,8 tỷ đồng.
Về tình hình thoái vốn, trong năm 2018 (tính đến ngày 20/12/2018), các doanh nghiệp đã thoái được 7.885 tỷ đồng, thu về 18.334 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn nhà nước tại 18 đơn vị với giá trị 1.308 tỷ đồng, thu về 2.511 tỷ đồng, trong đó chỉ có 02 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2018, còn lại 16 đơn vị thuộc kế hoạch thoái vốn năm 2017.
Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 6.576 tỷ đồng, thu về 15.822 tỷ đồng, trong đó: Thoái vốn tại 09 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư) được 2.419 tỷ đồng, thu về 2.794 tỷ đồng; Thoái vốn tại 25 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực phải thoái khác được 1.395 tỷ đồng, thu về 3.017 tỷ đồng.
SCIC thực hiện thoái vốn tại 09 doanh nghiệp với giá trị 2.761 tỷ đồng, thu về 10.011 tỷ đồng, trong đó có 02 khoản thoái vốn thu về giá trị lớn là thoái 144 tỷ đồng tại công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, thu về 2.329 tỷ đồng và thoái 2.549 tỷ đồng tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Vinaconex (VCG) thu về 7.366 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đánh giá, cổ phần hóa tiếp tục là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại DNNN. Đến nay cơ chế, chính sách về cổ phần hóa DNNN đã tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nhằm tạo cơ sở pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn tài sản, nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán cổ phần và thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng, đồng thời quan tâm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động.
Kết quả công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã có tác động tích cực tới sự phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hầu hết các DNNN sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận, bên cạnh đó cũng tồn tại một số hạn chế trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay. Điển hình như việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN đề ra theo Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ (đến nay mới có 35 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cơ cấu lại).
Ngoài ra, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp, trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017.
Tuy nhiên, năm 2018 (tính đến ngày 20/12/2018) mới cổ phần hóa được 15 doanh nghiệp (trong đó chỉ có 05 doanh nghiệp thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN). Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong năm 2018 còn chậm, không đạt được theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; năm 2018 có 18 đơn vị). Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, không đạt kế hoạch đề ra.