Phát triển năng lượng hài hòa tại miền Trung - Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau thời gian dài phát triển “nóng”, các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) tại miền Trung - Tây Nguyên đang được rà soát quy hoạch, đề xuất dừng chủ trương đầu tư nhiều dự án, cắt giảm công suất để phát triển hài hòa với các lĩnh vực năng lượng khác.
Sau thời gian ngắn phát triển nóng, các dự án năng lượng tái tạo tại miền Trung - Tây Nguyên đang được rà soát quy hoạch. Ảnh: Minh Khuê
Sau thời gian ngắn phát triển nóng, các dự án năng lượng tái tạo tại miền Trung - Tây Nguyên đang được rà soát quy hoạch. Ảnh: Minh Khuê

Dải đất hội tụ các dự án năng lượng tái tạo

Là địa phương có nguồn năng lượng gió dồi dào, tỉnh Hà Tĩnh là điểm đến của nhiều dự án lĩnh vực điện gió như: Trang trại phong điện của Tập đoàn HBRE; Nhà máy Điện gió Kỳ Anh ĐT2; Nhà máy Điện gió, điện mặt trời Cẩm Xuyên 1…

Từ Hà Tĩnh xuôi theo tuyến ven biển từ cầu Nhật Lệ (Quảng Bình) vào phía Nam sẽ bắt gặp hơn 100 tuabin gió sừng sững mọc trên cát trắng đã hòa lưới điện quốc gia của Cụm trang trại điện gió B&T.

Tại Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, địa phương đang đẩy mạnh phát triển các loại hình nguồn điện NLTT gồm điện gió tại phía Tây và điện mặt trời ở phía Đông. Bên cạnh đó, Quảng Trị đang đề xuất bổ sung Dự án Nhà máy Điện gió ngoài khơi Intracom - Quảng Trị vào Quy hoạch điện VIII. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 72.000 tỷ đồng (tương đương 3,1 tỷ USD), công suất 1.000 MW.

Ở Nam Trung Bộ, ngoại trừ Đà Nẵng và Quảng Nam chưa có dự án NLTT, Quảng Ngãi chỉ có Dự án Điện mặt trời Bình Nguyên thì Bình Định đã vượt trội với việc đầu tư các dự án: Điện gió Phương Mai, Điện mặt trời Phù Mỹ, Điện mặt trời Fujiwara… Ở giai đoạn tiếp theo, Bình Định đang tiếp tục theo đuổi “siêu” dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (CHLB Đức) công suất 2.000 MW; dự án của Công ty CP Đầu tư năng lượng Phát Đạt đăng ký 2.600 MW; Công ty CP Xây lắp điện I đăng ký 1.000 MW.

Bên cạnh Bình Định, tỉnh Phú Yên hiện đã có 5 dự án điện mặt trời hoàn thành và vận hành thương mại với tổng công suất 413,3 MW, gồm Nhà máy Điện mặt trời Hòa Hội; Xuân Thọ 1 và 2; Thịnh Long AAA; Nhà máy Năng lượng mặt trời Europlast. Về lĩnh vực điện gió, Dự án Trang trại phong điện HBRE An Thọ giai đoạn 1 (công suất 200 MW) đã được động thổ xây dựng.

Cần có quy hoạch quốc gia từng lĩnh vực năng lượng

Nói đến NLTT, Ninh Thuận hiện là “điểm nóng” về đầu tư lĩnh vực này với 55 dự án, tổng công suất 3.423 MW. Trong đó, có 35 dự án điện mặt trời với công suất 2.457 MW, 11 dự án điện gió với công suất 667 MW và 9 dự án thủy điện đạt công suất 299 MW. Đây cũng là địa phương “nóng” nhất cả nước về việc các dự án điện mặt trời bị đề xuất cắt giảm công suất do vượt quá khả năng truyền tải của hệ thống điện.

Để không tiếp tục bị “vỡ trận”, mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu Sở Công Thương rà soát các dự án NLTT đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch điện lực Tỉnh đủ điều kiện triển khai giai đoạn 2021 - 2025 và danh mục dự kiến giai đoạn 2026 - 2030.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên có 175 dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch và bổ sung quy hoạch với tổng công suất hơn 15.300 MW. Trong số đó, 58 dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt quy hoạch (11.080 MW) thì đã có 55 dự án (10.181 MW) tập trung ở duyên hải miền Trung - Tây Nguyên (chiếm 95%); 117 dự án do Bộ Công Thương quyết định phê duyệt quy hoạch (4.221 MW) có 110 dự án tập trung tại duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam (chiếm 95%)…

Tại địa phương này, cuối tháng 3/2022, Bộ Công Thương đã có Kết luận số 1424/KL-BCT rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà. Trong Kết luận, Bộ Công Thương chỉ rõ những vi phạm của Công ty Điện lực Ninh Thuận trong quá trình phát triển điện mặt trời mái nhà.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có Thông báo số 1392/TB-TTCP kết luận về việc thanh tra quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư, xây dựng tại tỉnh Ninh Thuận. Trong đó chỉ ra loạt sai phạm trong thẩm định quy hoạch, cấp phép các dự án NLTT.

Tại Tây Nguyên, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông là những địa phương có tiềm năng về NLTT. Gia Lai hiện có 163 dự án điện gió và điện mặt trời đã được quy hoạch và bổ sung quy hoạch với tổng công suất 21.875 MW, tổng vốn đầu tư dự kiến trên 539.000 tỷ đồng. Ông Hồ Phước Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, các dự án NLTT đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Tuy nhiên, do các dự án NLTT phát triển quá nhanh, Sở Công Thương Gia Lai đã kiến nghị UBND Tỉnh xem xét, thu hồi chủ trương khảo sát; không tiếp tục kiểm tra, khảo sát đối với các nhà đầu tư đã được UBND Tỉnh cho phép khảo sát và đề nghị được phép khảo sát, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch trước đó. Sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai sẽ xây dựng kế hoạch trình UBND Tỉnh triển khai các dự án điện mặt trời, điện gió phù hợp với Quy hoạch.

Trước động thái của các địa phương về rà soát và đề xuất dừng cấp chủ trương đầu tư các dự án NLTT, ông Nguyễn Cảnh Nam, Ủy viên Thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng, đó là hệ quả của việc quy hoạch điện quốc gia chưa quan tâm thích đáng đến phát triển điện gió, điện mặt trời dẫn đến việc đề ra mục tiêu, định hướng phát triển hai nguồn điện này còn sơ sài, chung chung.

Theo ông Nam, từ tháng 3/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 06/2013/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió (gồm quy hoạch quốc gia và cấp tỉnh). Tuy nhiên, Thông tư chỉ quy định về điều tra, đánh giá tiềm năng điện gió chứ chưa phải là quy hoạch phát triển điện gió với mục tiêu xác định rõ danh mục các dự án điện gió để làm cơ sở cấp phép đầu tư và triển khai thực hiện.

Chính vì vậy, đến nay chưa có quy hoạch điện gió quốc gia, chỉ có một số quy hoạch điện gió cấp tỉnh được Bộ Công Thương phê duyệt như: Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (phê duyệt năm 2012), Ninh Thuận (2013), Sóc Trăng (2014), Quảng Trị (2015), Bến Tre (2015), Bạc Liêu (2016), Cà Mau (2016). Tuy nhiên, trong quy hoạch điện gió của các tỉnh, danh mục dự án điện gió chỉ có đến năm 2020, một số tỉnh như Ninh Thuận, Sóc Trăng… chỉ nêu diện tích nghiên cứu các dự án mà không có công suất dự kiến.

Về lĩnh vực điện mặt trời, theo ông Nam, Thông tư số 16/2017/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh cũng giống như quy định về quy hoạch điện gió cấp tỉnh. “Trong nội dung quy hoạch bao gồm cả xác định tiềm năng điện mặt trời lý thuyết, kỹ thuật, kinh tế và khả năng khai thác nguồn năng lượng mặt trời của tỉnh, trong khi lẽ ra quy hoạch phải được lập trên cơ sở đã xác định rõ tiềm năng nguồn điện mặt trời kỹ thuật và kinh tế”.

Điều cơ bản là đến nay chưa có quy hoạch điện mặt trời quốc gia và cấp tỉnh nào được phê duyệt và ban hành. Các dự án điện mặt trời ra đời thì được làm thủ tục bổ sung vào quy hoạch điện lực cấp tỉnh và quy hoạch điện quốc gia, dẫn đến tình trạng phát triển “quá đà” hiện nay. Vì vậy, theo ông Nam, cần sớm có quy hoạch cụ thể từng lĩnh vực năng lượng (điện gió, điện mặt trời…) để phát triển hài hòa, cân bằng và bền vững.

Chuyên đề