Phát triển điện gió ngoài khơi: “Cơ hội tuyệt vời” xanh hóa ngành năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Việt Nam sẽ có 6 GW điện gió ngoài khơi (ĐGNK) vào năm 2030 và quy mô công suất có thể tăng lên 70 GW - 91,5 GW vào năm 2050. Đây là nguồn năng lượng sạch, góp phần quan trọng vào chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam. Tuy vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu này đang gặp những khó khăn, thách thức cần sớm được tháo gỡ.
Tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam xếp số 1 Đông Nam Á và thuộc top đầu châu Á. Ảnh: Bùi Thịnh
Tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam xếp số 1 Đông Nam Á và thuộc top đầu châu Á. Ảnh: Bùi Thịnh

Tiềm năng điện gió top đầu châu Á

Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, độ sâu mực nước nông và tốc độ gió cao, ổn định, nhiều nghiên cứu về năng lượng chỉ ra rằng, Việt Nam hội tụ đầy đủ tiền đề quan trọng, cần thiết để phát triển các dự án ĐGNK đáng tin cậy và có chi phí hợp lý.

Đánh giá của Chương trình hỗ trợ quản lý ngành năng lượng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tổng tiềm năng kỹ thuật ĐGNK của Việt Nam có thể đạt khoảng 475 GW, bao gồm 261 GW loại móng cố định và 214 GW loại móng nổi, xếp số 1 Đông Nam Á và thuộc top đầu châu Á. Còn theo Chương trình hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch, những phát hiện ban đầu đã chỉ ra rằng tiềm năng kỹ thuật ĐGNK của Việt Nam đạt khoảng 160 GW.

Các chuyên gia năng lượng cho rằng, năng lượng gió nói chung, ĐGNK nói riêng là một trong những giải pháp quan trọng giúp Việt Nam bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng bền vững.

Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Cường, chuyên gia cao cấp về năng lượng của Tập đoàn T&T cho rằng, cùng với tiềm năng tài nguyên lớn, Việt Nam có nhiều động lực khác để thúc đẩy phát triển ĐGNK.

Theo ông Cường, trong 10 năm qua, nhu cầu điện của Việt Nam tăng trung bình 10%/năm và tốc độ tăng được dự báo vẫn duy trì trong 10 năm tới. Để đáp ứng nhu cầu điện, Việt Nam cần đầu tư mới với quy mô lớn. Trong khi đó, giá thành sản xuất của ĐGNK có xu hướng giảm; các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, nhiệt điện than bị hạn chế phát triển; đặc biệt là yêu cầu chuyển dịch năng lượng gắn với cam kết giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn.

“ĐGNK được kỳ vọng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam”, ông Cường nói.

Là doanh nghiệp (DN) gặt hái được những thành công nhất định khi cung cấp dịch vụ khảo sát cho các dự án ĐGNK ở Việt Nam, có kinh nghiệm tham gia một số dự án ĐGNK tại một số thị trường quốc tế…, ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam cho biết, việc triển khai các dự án này sẽ góp phần xây dựng chuỗi cung ứng nội địa trong lĩnh vực ĐGNK.

Ông John Rockhold, Trưởng Nhóm công tác Điện và Năng lượng của Diễn đàn DN Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam sở hữu những điều kiện tuyệt vời để phát triển các dự án ĐGNK bền vững và cạnh tranh về chi phí. Thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư đã quan tâm, tìm kiếm cơ hội phát triển ĐGNK tại Việt Nam.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến tháng 8/2022, Bộ đã nhận được 55 đề xuất khảo sát ĐGNK, trong đó có 6 đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài, 13 đề xuất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và 36 đề xuất của nhà đầu tư trong nước.

Mong sớm tháo gỡ “điểm nghẽn”

Triển vọng là rất rõ ràng, nhưng việc phát triển ĐGNK đang gặp những khó khăn, thách thức, trong đó có “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách cần sớm được khơi thông.

Theo đại diện Tập đoàn T&T, Việt Nam chưa có đầy đủ công cụ pháp lý đủ mạnh, chẳng hạn luật hoặc nghị định về phát triển năng lượng tái tạo. Tình trạng thiếu công cụ pháp lý mạnh dẫn đến một số hạn chế trong việc khai thác tài nguyên ổn định và bền vững. “Chẳng hạn, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió đã hết hiệu lực 2 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ chế nối tiếp, gây ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy”, ông Nguyễn Đức Cường cho biết.

Thừa nhận những “điểm nghẽn” trong phát triển ĐGNK, Tờ trình đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Bộ Công Thương trình cấp thẩm quyền đầu tháng 10/2023 nêu rõ, việc xác định cụ thể dự án và DN trong nước triển khai dự án ĐGNK thí điểm còn gặp khó khăn do chưa có hành lang pháp lý để phát triển.

“Hiện hành lang pháp lý cho phát triển ĐGNK còn chưa rõ ràng với việc chưa phê duyệt quy hoạch không gian biển quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển. Bên cạnh đó, pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ĐGNK”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Thực tế, nhà đầu tư chỉ “xuống tiền” khi họ nhìn thấy cơ chế, chính sách rõ ràng. Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T cho biết, với xuất phát điểm là con số 0, trong khi mục tiêu đặt ra là 6 GW vào năm 2030, thời gian còn lại chỉ khoảng 7 năm. Trong khi đó, phát triển một dự án ĐGNK đòi hỏi phải trải qua nhiều công đoạn. Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII, cần sớm hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có ĐGNK.

Ông John Rockhold

Trưởng Nhóm công tác Điện và Năng lượng thuộc Diễn đàn DN Việt Nam

ĐGNK có tiềm năng lớn ở Việt Nam và trong tương lai có thể trở thành một phần phụ tải cơ sở cho lưới điện quốc gia. Gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm đến việc phát triển trang trại điện gió lớn ngoài khơi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để phát triển một dự án có hạ tầng lớn như trang trại ĐGNK, Việt Nam cần đưa ra cơ chế và chính sách rõ ràng, tạo sự ổn định cho nhà đầu tư. Nếu có khung pháp lý phù hợp, Việt Nam có thể thu hút hàng tỷ USD vào các dự án và hoạt động cung ứng vật tư, thiết bị ĐGNK, từ đó tạo ra hàng nghìn việc làm và tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Lê Mạnh Cường

Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về ĐGNK và có nhiều lợi thế so với các nước Đông Nam Á khác, tuy nhiên, các đánh giá cho thấy, nhu cầu vốn cho ĐGNK rất lớn, khoảng 2,5 - 3 tỷ USD cho 1 GW. Nếu không thu hút được vốn FDI trong lĩnh vực ĐGNK, mục tiêu Net Zero của Việt Nam sẽ rất khó đạt được.

Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng triển khai các giải pháp để hiện thực hóa mục tiêu, tránh để cơ hội trôi qua và rơi vào tay các đối thủ từ các nước trong khu vực.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư