Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam tiếp tục có các kiến nghị, đề xuất cụ thể để tạo thuận lợi cho các DN phát triển. Ảnh: VGP |
Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch VBCSD cho biết kể từ sau diễn đàn năm 2016 đã có nhiều hoạt động được thực hiện nhằm cụ thể hoá, chuẩn hoá về phát triển bền vững trong DN.
Đơn cử, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã ban hành bộ chỉ số về doanh nghiệp phát triển bền vững theo tiêu chuẩn thế giới. Công tác bình xét tôn vinh các doanh nghiệp bền vững từng bước được triển khai. Nhiều khuyến nghị về chính sách phát triển bền vững được trình lên các cơ quan có thẩm quyền.
Diễn đàn các DN phát triển bền vững 2017 có chủ đề “Nhân rộng những mô hình kinh doanh giúp giải quyết những thách thức Phát triển bền vững”. Đại diện các DN, chuyên gia kinh tế đã thảo luận giải pháp để tạo lập môi trường phát triển các giải pháp kinh doanh sáng tạo. Mục tiêu là vừa đem lại lợi nhuận cho DN, vừa giúp giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội.
Đáng chú ý, diễn đàn năm nay đã đưa ra khái niệm “nền kinh tế tuần hoàn” nhằm thúc đẩy thực hiện phát triển bền vững. Đồng thời khởi động dự án “Không xả thải vào môi trường tự nhiên”, áp dụng bộ hệ thống tiêu chuẩn để hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam...
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định kinh tế bền vững không chỉ thân thiện và nhân văn với cộng đồng mà còn tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Theo Báo cáo “Kinh doanh tốt hơn, Thế giới tốt hơn – Những cơ hội kinh doanh bền vững tại châu Á” của Ủy ban Kinh doanh và Phát triển bền vững, đến năm 2030, bên cạnh các lợi ích không nhỏ về xã hội và môi trường, phát triển bền vững có thể tạo ra một thị trường kinh doanh trị giá 5 nghìn tỷ USD cho khu vực, đồng thời đem lại thêm 230 triệu việc làm mới, tương đương 12% tổng số nhân lực lao động tại đây.
Ảnh: VGP
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua tình hình kinh tế vĩ mô đều tốt hơn trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng DN. Nhưng để phát triển nhanh hơn nữa, nền kinh tế phải tạo thêm việc làm, mở ra nhiều DN, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… nhất là bối cảnh toàn cầu đang có những thay đổi lớn. Đó không chỉ là cách mạng công nghiệp 4.0 mà cả quá trình vận động thương mại mới của thế giới. Vì vậy, cộng đồng DN Việt Nam cần được tạo điều kiện để nắm bắt được thời cơ, thuận lợi.
“Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 cùng nhiều chỉ đạo khác của Chính phủ cuối cùng cũng nhằm tạo điều kiện để nhiều người khởi sự kinh doanh, để các DN phát triển, từ đó tạo ra nhiều việc làm, để tăng năng suất, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia…”, Phó Thủ tướng nói.
Khẳng định phát triển bền vững chỉ có thể thành công với sự tham gia của mọi DN, Phó Thủ tướng mong muốn VBCSD “nôm na hoá” để khái niệm này trở nên dễ hiểu đối với những người khởi sự kinh doanh, DN nhỏ, siêu nhỏ.
“Hiện nay nhiều người đang hiểu phát triển bền vững chỉ là “sân chơi” của các DN lớn. Chúng ta phải làm sao để mọi DN, doanh nhân có ý thức này từ lúc bắt đầu kinh doanh” Phó Thủ tướng nói.
“VCCI và các thiết chế, tổ chức trung gian như VBCSD của Việt Nam cần tạo ra nhiều diễn đàn đối thoại giữa DN, cơ quan nhà nước, tổ chức mang tính trung gian để cùng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình phát triển, hoạch định, thực thi chính sách, cơ chế. Chính phủ mong muốn trong hoạt động quản lý luôn tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.