Phân cấp, gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ dự án ODA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, tinh giản quy trình, thủ tục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến quy trình quản lý, thực hiện dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Việc sửa đổi này nhằm góp phần đẩy nhanh thực hiện và giải ngân dự án, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản.
Đến ngày 31/8, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài ước đạt 7,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%). Ảnh: Lê Tiên
Đến ngày 31/8, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài ước đạt 7,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%). Ảnh: Lê Tiên

Với quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, tinh giản quy trình, thủ tục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã đề xuất sửa đổi một số quy định liên quan đến quy trình quản lý, thực hiện dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Việc sửa đổi này nhằm góp phần đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài đến 31/8/2021 đạt 7,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,26%). Tiến độ giải ngân vốn ODA chậm có nguyên nhân lớn do tác động của dịch Covid-19. Bên cạnh đó là những nguyên nhân về quy trình thủ tục tại quy định hiện hành.

Theo một số địa phương, với quy định tại Luật Đầu tư công, các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ phải trình Thủ tướng 2 lần để xem xét, phê duyệt đề xuất dự án và quyết định chủ trương đầu tư. Trong trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư, các dự án này cũng phải trình Thủ tướng phê duyệt trước khi cơ quan chủ quản điều chỉnh quyết định đầu tư. Quy trình này phù hợp với dự án đầu tư nhóm A với quy mô lớn, có tính chất liên ngành, liên vùng, thường có tỷ lệ cho vay lại cao và phải thực hiện theo yêu cầu, điều kiện chặt chẽ theo hiệp định được ký kết.

Tuy nhiên, đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đã nước ngoài nhóm B và C là nhóm dự án có số lượng nhiều, quy mô không lớn, chủ yếu do các địa phương là cơ quan chủ quản và thường có đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trong quá trình thực hiện như gia hạn thời gian thực hiện, giải ngân, thì tính cả điều chỉnh, các dự án này sẽ phải trình Thủ tướng 3 lần, gồm xem xét, phê duyệt đề xuất chương trình, dự án; quyết định chủ trương đầu tư; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Từ đó dẫn đến nhiều dự án bị chậm tiến độ thực hiện và giải ngân, không hoàn thành theo đúng cam kết với nhà tài trợ và phải gia hạn hiệp định.

Ngoài ra, đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, số dự án này không nhiều, quy mô nhỏ, thường được thực hiện theo hình thức cung cấp tư vấn, chuyên gia để chuẩn bị dự án.

Bên cạnh đó, theo quy định của Luật Đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu (HSYC) của dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi chỉ được phê duyệt sau khi điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực. Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ này thường mất tối thiểu từ 4 - 6 tháng đối với gói thầu quốc tế theo yêu cầu của nhà tài trợ, dẫn đến thời gian dành cho việc triển khai thi công xây lắp, cung cấp hàng hóa, dịch vụ bị rút ngắn. Vì vậy, phần lớn các dự án phải xin gia hạn thời gian thực hiện và gia hạn hiệp định để bù đắp khoảng thời gian này. Việc kéo dài thời gian thực hiện dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do trượt giá, thay đổi tỷ giá và các tác động khác do thay đổi chính sách… Ngoài ra, dự án chậm thực hiện cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, chưa kể chi phí cam kết phát sinh mà Việt Nam phải trả.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Bộ KH&ĐT đề xuất sửa Luật Đầu tư công theo hướng phân cấp, phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài nhóm B và nhóm C, vốn ODA viện trợ không hoàn lại nhóm B và nhóm C, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại để chuẩn bị đầu tư. Bộ KH&ĐT sẽ không thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn với các dự án nhóm B và C trong trường hợp phân cấp cho người đứng đầu cơ quan chủ quản như đề xuất.

Đồng thời, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa Điều 34 Luật Đấu thầu theo nguyên tắc: “Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, HSMT, HSYC, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định của Chính phủ”. Theo Bộ KH&ĐT, hoạt động này có thể được thực hiện trên cơ sở đề xuất của cơ quan chủ quản trong quá trình xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, ý kiến thống nhất của nhà tài trợ và quyết định chủ trương đầu tư dự án của cấp có thẩm quyền. Quy trình này có thể giao Chính phủ quy định chi tiết.

Chuyên đề