Phải thực sự thay đổi tư duy

(BĐT) - Mấy năm qua, Chính phủ đã nỗ lực cùng doanh nghiệp vượt qua các trở ngại để đạt và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội. 
Thủ tướng nhắc nhở doanh nghiệp cần chủ động đổi mới chính mình, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng nhắc nhở doanh nghiệp cần chủ động đổi mới chính mình, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất. Ảnh: Lê Tiên

Trước thềm năm mới 2020, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu thông điệp mạnh mẽ là yêu cầu các cấp, các ngành và cả doanh nghiệp cùng thay đổi tư duy để tạo sức bật cho nền kinh tế, hướng tới mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.

Lắng nghe, thấu hiểu và hành động

Kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những cuộc đối thoại chất lượng với cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, các giải pháp hiệu quả đã được thực thi, giúp môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện và nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng bền vững.

Chia sẻ suy nghĩ về nỗ lực của Chính phủ và kết quả với cộng đồng doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận xét: “Qua hơn một nghìn ngày, không ngày nào Chính phủ, Thủ tướng không sốt ruột, và không chỉ trăn trở, sốt ruột mà còn đồng cam cộng khổ cùng doanh nghiệp. Trân trọng cảm ơn Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện những cải cách mạnh mẽ trong nửa đầu nhiệm kỳ đã qua. Kết quả tích cực nhất dành cho cộng đồng doanh nghiệp là đã có trên 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được cắt giảm”.  

Về các cuộc đối thoại của người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong mấy năm vừa qua, điều nhận được phản hồi tích cực là Thủ tướng đánh giá cao và luôn lắng nghe những ý kiến tâm huyết, kể cả những ý kiến “trái chiều, nghịch nhĩ”, phản ánh các vấn đề bất cập trong môi trường kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự thấu hiểu, lắng nghe, môi trường cạnh tranh được cải thiện đáng kể. Nhờ đó, đến nay chúng ta có hơn 800.000 doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm có thêm 17% doanh nghiệp thành lập mới.

Nhờ sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế cũng đạt kết quả rất tích cực. Đáng chú ý, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng trên 7% trong năm 2019. 

Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được thì nên ủng hộ

Dù đã có những kết quả tích cực như vậy, song theo Thủ tướng, bên cạnh thành công, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển. “Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, phá sản. Đã có nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải”, Thủ tướng bày tỏ.

Đây cũng là lý do vì sao Chính phủ liên tục tổ chức nhiều hội nghị về phát triển doanh nghiệp kể từ đầu nhiệm kỳ. “Chúng ta cần tiếp tục hành động và hành động gấp để tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn”; “Cần phải gỡ những nút thắt, làm cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. Phải tập trung xử lý để các loại hình doanh nghiệp Việt Nam tăng về số lượng, phát triển về chất lượng và bền vững” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, sau “tấm huy chương vàng” của kinh tế Việt Nam là nỗ lực của nhiều phía, bao gồm cả mồ hôi, nước mắt của cộng đồng doanh nghiệp. “Cần nhìn nhận vai trò đáng kể của cộng đồng doanh nghiệp trong thành tích của nền kinh tế để thấy rằng, các cơ quan, các địa phương, các cán bộ công chức cần làm việc có lương tâm với trách nhiệm và cả danh dự của mình”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định, để doanh nghiệp nhỏ và vừa - thành phần chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - phát huy được tốt nhất những đóng góp cho nền kinh tế, tham gia giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, Nhà nước cần có sự hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp quan trọng này.

Theo đó, để có sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, trước hết, Nhà nước cần tìm ra các phương thức để thuyết phục người dân và cả những nhà đầu tư tiềm năng rằng, thể chế mới là bền vững và mọi khoản đầu tư, mọi doanh nghiệp đều được bảo vệ quyền lợi trước pháp luật. Nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách một cách quyết liệt hơn, sao cho vừa “cởi trói” cho doanh nghiệp để cạnh tranh và tạo việc làm, vừa mang đến cho mọi người mức độ tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn. 

Nền tảng quan trọng cho một phần tư thế kỷ tới

Lắng nghe và chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách thực sự cởi mở, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá, làm được nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách.

“Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy. Không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân, mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công. Những quan điểm mới này tôi xin đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai. Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương mạnh mẽ đổi mới tư duy và năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương mình để tương thích với mặt bằng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, phải tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế nhà nước với tư nhân, doanh nghiệp với hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ…

Với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng cho rằng, doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất, tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại tự do.

Năm 2020, Việt Nam có nhiều sự kiện lớn, là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, đây cũng là năm phải hoàn thành nhiều mục tiêu, kế hoạch, chiến lược phát triển trung hạn của doanh nghiệp mình.

“Năm 2020 phải là năm đạt nhiều nền tảng quan trọng cho một phần tư thế kỷ tới. Liệu chúng ta có vươn lên đến cột mốc lịch sử đó hay không phụ thuộc rất lớn vào những thành quả, nền tảng mà doanh nghiệp tạo ra hôm nay”, Thủ tướng bày tỏ. Trên tinh thần ấy, Thủ tướng đề nghị mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2020, tầm nhìn 2025.

“Chúng ta cần ý thức rằng, một doanh nghiệp hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, nói chung là của tất cả chúng ta. Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, bền vững, có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, tự cường và thịnh vượng vào năm 2045”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư