Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, giai đoạn 2011 - 2015 nợ công tăng nhanh, năm 2001 chiếm 36,5% GDP, năm 2010 lên 50%, đến năm 2015 chiếm 62,2% GDP. Quy mô nợ công cũng tăng rất mạnh, năm 2015 lên con số 2,68 triệu tỷ đồng, gấp 2,3 lần năm 2010 và gấp 14,8 lần năm 2001. Tốc độ tăng nợ công giai đoạn 2011 – 2015 trung bình 18,4%/năm, cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Về trả nợ, áp lực trả nợ tới hạn lớn, hàng năm chúng ta phải vay để đảo nợ. Năm 2014 đảo nợ 106 nghìn tỷ đồng, 2015 là 125 nghìn tỷ đồng và năm nay khoảng 95 nghìn tỷ đồng. Nhận định nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn là rất đúng.
Về nguyên nhân nợ công tăng nhanh, Bộ trưởng Dũng cho rằng do tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch đề ra, tái cơ cấu nền kinh tế không đạt yêu cầu, điều hành chính sách theo hướng giảm thu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giá dầu thô giảm ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách. Trong khi đó, chi ngân sách vẫn giữ mức chi theo tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm Chính phủ trình và đã được Quốc hội thộng qua...
Trong nhiều giải pháp cho vấn đề nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến việc hoàn thiện thể chế quản lý nợ công, từng bước tái cơ cấu lại nợ công, trong đó tăng nợ trong nước, giảm phần nợ ngoài.
Bộ trưởng Dũng cho biết, việc huy động trái phiếu chính phủ trong nước thời gian qua đạt kết quả khá tốt, từ đó đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay nợ trong nước. Đặc biệt, kỳ hạn TPCP năm 2015 trung bình là 6,28 năm, tăng gần gấp đôi so với năm 2011 (khoảng trên dưới 3 năm), và lãi suất huy động cũng giảm với tốc độ tương tự, từ 12,01% năm 2011 còn 6,28% năm 2015. Kỳ hạn huy động vốn tăng gần gấp đôi, trong khi lãi suất giảm gần một nửa là tín hiệu rất tốt để giảm áp lực trả nợ trong nước.