Nỗi lo từ nghị trường vì có Luật PPP, vẫn khó hút vốn tư nhân cho hạ tầng giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thể hiện lo lắng về thu hút vốn tư nhân cho hạ tầng giao thông theo phương thức PPP còn nhiều khó khăn dù đã có Luật PPP, trong ngày chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhằm thu hút nguồn lực cho các dự án hạ tầng giao thông lớn của đất nước.
Đầu tư PPP trong hạ tầng giao thông lợi nhuận đem lại không cao, thời gian thu hồi vốn dài, nhiều lĩnh vực doanh nghiệp có thể lựa chọn cân đối đầu tư. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Đầu tư PPP trong hạ tầng giao thông lợi nhuận đem lại không cao, thời gian thu hồi vốn dài, nhiều lĩnh vực doanh nghiệp có thể lựa chọn cân đối đầu tư. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Nhiều rào cản dự án mới

Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng - đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Hưng Yên, hạ tầng giao thông được xác định là một trong ba đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XIII. Các dự án hạ tầng giao thông có tổng mức đầu tư lớn, vì vậy, bên cạnh nguồn vốn ngân sách, cần huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện. Tuy nhiên, thực tế các dự án giao thông lớn, trọng điểm hiện nay chủ yếu đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công. Một trong các nguyên nhân dự án PPP giao thông vướng mắc, theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, là do việc huy động nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn.

“Trước thực trạng này, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp gì để tháo gỡ, thu hút các nguồn vốn tín dụng cho đầu tư các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới?”, đại biểu Thắng chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Cũng cho rằng dự án lớn theo phương thức đầu tư công tư PPP của ngành giao thông vận tải (GTVT) đã được phê duyệt theo quy hoạch còn gặp nhiều trở ngại, đại biểu Nguyễn Tạo - đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ rõ giải pháp nhằm tháo gỡ thực trạng những vướng mắc nhằm thu hút nguồn lực đối với các dự án PPP đã được phê duyệt.

Trả lời đại biểu, Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, nhiều lý do dẫn đến từ khi Luật PPP được ban hành, việc thu hút dự án PPP chưa được nhiều. Nguyên nhân khách quan do tình hình trong nước và quốc tế thời gian qua khó khăn, tác động đến doanh nghiệp. Đầu tư PPP trong hạ tầng giao thông lợi nhuận đem lại không cao, thời gian thu hồi vốn dài, nhiều lĩnh vực doanh nghiệp có thể lựa chọn cân đối đầu tư. Trong khi đó, nhiều rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt vấn đề lưu lượng xe tác động trực tiếp đến hiệu quả của các dự án.

Về cơ chế chính sách, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP chưa hấp dẫn do nhiều dự án chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn nên vốn nhà nước thực chất hỗ trợ nhà đầu tư không nhiều. Cơ chế bảo lãnh doanh thu và chuyển đổi ngoại tệ không được quy định, là e ngại lớn nhất dẫn đến không có nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Các nhà đầu tư cũng quan ngại về giải phóng mặt bằng. Các nước thường tách giải phóng mặt bằng làm trước, khi doanh nghiệp tham gia PPP chỉ triển khai dự án.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Bộ GTVT đã nhận diện các vướng mắc, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, điều chỉnh cơ chế chính sách để thu hút nhà đầu tư. Cũng với tinh thần đó, ngay trong kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cơ chế tháo gỡ, trong đó đề xuất nâng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP lên mức cao hơn trong một số trường hợp.

Về thu hút vốn tín dụng cho dự án PPP giao thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ thực tế, tính đến ngày 30/9, có 22 tổ chức tín dụng thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ xấu chiếm 3,83%. Đáng chú ý, nợ nhóm 2 chiếm đến 26,52%, đây là nhóm nợ sát với nợ nhóm 3 - nợ xấu. Nguyên nhân chủ yếu là phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu.

Theo Thống đốc, nhu cầu vốn cho các dự án hạ tầng giao thông rất lớn và kỳ hạn dài, tính chất nguồn vốn của hệ thống tổ chức tín dụng là nguồn vốn huy động ngắn hạn nên việc cho vay với khối lượng lớn, dài hạn cũng bị ràng buộc. Tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng vừa qua cho thấy, nếu huy động bằng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể dẫn tới rủi ro và hệ lụy cho ngân hàng. “Do vậy, chính sách huy động vốn cho dự án PPP cũng cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả là trong nước và nước ngoài”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 6/11. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội ngày 6/11. Ảnh: VGP

Sớm giải quyết dứt điểm vướng mắc cũ

3,83% dư nợ dự án BOT, BT giao thông trở thành nợ xấu, 26,52% sát nhóm nợ xấu, con số của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu ra cho thấy còn những vướng mắc rất lớn đối với các dự án BOT, BT đã triển khai, từ đó tác động đến dòng vốn cho dự án mới.

Việc tháo gỡ vướng mắc với các dự án BOT bị sụt giảm doanh thu, chỉ đạt khoảng 30% phương án tài chính và nhiều dự án BOT khác đã được đặt ra trong thời gian dài, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp cuối cùng. Nguy cơ tăng nợ xấu sẽ rất cao nếu những vướng mắc kéo dài.

Đặt vấn đề này tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An - đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã giao nhiệm vụ trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT. Trong hơn một năm qua, mặc dù Bộ GTVT đang nỗ lực triển khai thực hiện, tuy nhiên chưa hoàn thành. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ này.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, khi thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15, Bộ GTVT đã rất quyết liệt phối hợp với bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các dự án BOT đang có vấn đề, cụ thể có 8 dự án với tổng chi phí xử lý dự kiến hơn 10 nghìn tỷ đồng. Bộ đã trình Chính phủ giải pháp tháo gỡ; tháng 10/2022, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; tháng 11/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, yêu cầu Chính phủ và Bộ GTVT giải trình một số vấn đề: ngoài 8 dự án của Trung ương thì địa phương có bao nhiêu dự án vướng mắc, khó khăn vướng mắc cụ thể như thế nào?

Theo Bộ trưởng, hiện còn một số khó khăn. Thứ nhất, về quan điểm nguồn vốn để giải quyết từ nguồn nào, tăng thu hay từ đầu tư công trung hạn? Thứ hai là về vấn đề pháp lý, 8 dự án đều triển khai trước khi Luật PPP có hiệu lực, căn cứ pháp lý đang được Bộ xem xét bám vào Nghị định hoặc Luật. Tiếp đó là vấn đề chủ thể của các dự án, không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà cả ngân hàng. “Nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận, ngân hàng cũng phải hy sinh vấn đề lãi suất để bảo toàn vốn”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Khẳng định “xử lý đến nay là tương đối chậm”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã họp với Bộ GTVT và một số bộ, ngành liên quan, yêu cầu Bộ có tổng hợp giải trình, báo cáo trước ngày 15/11/2023. Bộ GTVT cố gắng trong thời gian sớm nhất hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình Quốc hội tháo gỡ cho 8 dự án, trong đó gồm 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị hỗ trợ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư