Nhà đầu tư trông chờ “cởi nút thắt” dự án PPP

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phương án tài chính, cơ chế quản lý tài chính có thể coi là yếu tố quyết định tính hấp dẫn cũng như thành bại của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Việc Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì rà soát, sửa đổi Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP đang được nhà đầu tư trông chờ với kỳ vọng vừa tháo gỡ được vướng mắc, vừa tăng tính khả thi, hài hòa lợi ích, rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu giảm là cơ chế hấp dẫn, được đánh giá cao nhưng các nhà đầu tư cho rằng trình tự, thủ tục áp dụng còn phức tạp. Ảnh: Lê Tiên
Cơ chế chia sẻ rủi ro doanh thu giảm là cơ chế hấp dẫn, được đánh giá cao nhưng các nhà đầu tư cho rằng trình tự, thủ tục áp dụng còn phức tạp. Ảnh: Lê Tiên

Tăng tính hấp dẫn cho dự án PPP mới

Theo ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư thuộc Bộ Tài chính, Bộ Tài chính đang rà soát, lấy ý kiến các bên để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ 28, báo cáo Chính phủ trong quý III/2023. Qua tổng hợp ý kiến từ các địa phương, nhà đầu tư (NĐT), nhóm vướng mắc liên quan đến NĐ 28 tập trung vào một số vấn đề: lãi suất vốn vay; các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi của phương án tài chính (PATC); nguồn vốn thanh toán cho doanh nghiệp dự án (DNDA) BTL, BLT; trình tự, thủ tục thanh toán vốn nhà nước khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm.

Một trong những vướng mắc, khó khăn lớn liên quan đến NĐ 28 đã được nhiều NĐT phản ánh là những quy định về lãi suất huy động - thông số đầu vào quan trọng để xây dựng PATC. Theo Hiệp hội các NĐT công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI), NĐ 28 quy định, lãi suất huy động vốn được xác định tại thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi và làm căn cứ để lựa chọn NĐT, ký kết hợp đồng dự án. Tuy nhiên, lãi suất huy động vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) là lãi suất thả nổi, có giai đoạn tăng cao, trong khi không có quy định về việc điều chỉnh hợp đồng dự án khi các thông số tính toán PATC có sự biến động lớn gây rủi ro cho NĐT, hoặc khi lãi suất giảm gây thiệt hại cho cơ quan nhà nước.

Về phạm vi tham khảo mức lãi suất huy động vốn, VARSI phân tích, Luật PPP quy định NĐT, DNDA PPP chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu, huy động vốn vay và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo quy định tại hợp đồng dự án PPP. Ngoài hình thức huy động vốn thông qua vay vốn tín dụng tại các NHTM, NĐT còn vay vốn thông qua phát hành trái phiếu DN. Lãi suất vay vốn và lãi suất phát hành trái phiếu thường khác nhau. Do đó, việc căn cứ vào lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các NHTM làm cơ sở lập PATC là chưa đầy đủ, cần phải căn cứ vào cả lãi suất phát hành trái phiếu.

VARSI kiến nghị sửa đổi thành tham khảo mức lãi suất bình quân của lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các NHTM, lãi suất phát hành trái phiếu DN trên thị trường, lãi suất vốn vay của các dự án tương tự. Khi lãi suất huy động vốn thực tế trên thị trường tăng/giảm 1% so với lãi suất được phê duyệt thì thực hiện điều chỉnh PATC và thời hạn hợp đồng dự án.

Thông số đầu vào quan trọng khác để xây dựng PATC là giá, phí sản phẩm dịch vụ công, VARSI phản ánh, NĐ 28 chưa có điều khoản quy định rõ trách nhiệm và phương án xử lý trong trường hợp NĐT không được tăng giá theo lộ trình trong hợp đồng BOT dẫn tới PATC mất cân đối, không thu hút được NĐT, tổ chức tín dụng cho vay vốn. Thực tế từ năm 2016 đến nay, các dự án BOT chưa được điều chỉnh tăng giá, phí, mặc dù hợp đồng quy định định kỳ 3 năm điều chỉnh giá 1 lần, gây thiếu hụt nguồn thu để bù đắp chi phí và hoàn vốn đầu tư.

VARSI kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng cách thức xác định giá, phí sản phẩm cho toàn bộ thời gian vận hành khai thác tại thời điểm lập báo cáo nghiên cứu khả thi và đàm phán hợp đồng dự án; xây dựng cơ chế bù đắp thiếu hụt nguồn thu cho NĐT khi cơ quan nhà nước không thực hiện điều chỉnh giá, phí dịch vụ công theo mức giá quy định tại hợp đồng dự án…

Một số NĐT khác kiến nghị đơn giản hóa trình tự, thủ tục chia sẻ rủi ro doanh thu giảm. Đây là cơ chế hấp dẫn, được đánh giá cao tại Luật PPP nhưng NĐT không có niềm tin vào tính khả thi trong áp dụng. Theo quy định tại Điều 17 NĐ 28, việc xác định tăng/giảm doanh thu phải được cơ quan ký kết hợp đồng PPP đề nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán xác nhận, cơ quan ký kết hợp đồng trình Bộ Tài chính, sau đó Bộ Tài chính trình Chính phủ bố trí nguồn dự phòng. Trình tự thủ tục này quá dài dẫn đến tăng chi phí phát sinh (lãi vay, chi phí quản lý…), thậm chí DNDA “chết” trước khi được chia sẻ.

Từ năm 2016 đến nay, các dự án BOT chưa được điều chỉnh tăng giá, phí, mặc dù hợp đồng quy định định kỳ 3 năm điều chỉnh giá 1 lần. Ảnh: Tiên Giang

Từ năm 2016 đến nay, các dự án BOT chưa được điều chỉnh tăng giá, phí, mặc dù hợp đồng quy định định kỳ 3 năm điều chỉnh giá 1 lần. Ảnh: Tiên Giang

Cứu dự án đang có nguy cơ vỡ phương án tài chính

Việc sửa đổi NĐ 28 được nhiều NĐT đã tham gia đầu tư dự án BOT từ giai đoạn năm 2011 - 2015 mong đợi để tháo gỡ những vướng mắc khiến PATC của dự án đối diện nguy cơ đổ bể, DNDA bên bờ vực phá sản, càng vận hành càng lỗ.

Một số DN đã tham gia đầu tư dự án BOT chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều quy định chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tế, gây bất lợi cho DNDA BOT. Cụ thể về lãi suất vốn vay, các Thông tư 166/2011/TT-BTC, 55/2016/TT-BTC, 75/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành đều không giải quyết được bất cập phần lãi suất vốn vay của các dự án PPP. Lãi suất vốn vay thực tế và lãi suất được tính toán trong hợp đồng theo quy định chênh lệch trung bình 3 - 4%, có dự án lên đến 6%, DNDA phải bù chênh lệch rất lớn.

Một NĐT cho biết, với dự án của họ, sau 3 năm đầu tư, 4 năm khai thác, DNDA đã phải bù khoảng 500 tỷ đồng chênh lệch lãi suất vốn vay, trong khi vốn chủ sở hữu là 395 tỷ đồng.

Ngoài hình thức huy động vốn thông qua vay vốn tín dụng tại các NHTM, NĐT còn vay vốn thông qua phát hành trái phiếu DN. Việc căn cứ vào lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn của các NHTM làm cơ sở lập PATC là chưa đầy đủ, cần phải căn cứ vào cả lãi suất phát hành trái phiếu.

Một NĐT khác chia sẻ, dự án của họ phải bù lãi suất chênh lệch có thời điểm lên đến 6% với chi phí phải bù đến hết quý II/2022 khoảng 346 tỷ đồng.

Theo phản ánh của nhiều NĐT, Thông tư 88/2018/TT-BTC được ban hành cơ bản tháo gỡ vấn đề lãi suất huy động vốn của các dự án PPP, tuy nhiên, theo quy định điều khoản chuyển tiếp, các hợp đồng ký trước ngày thông tư này có hiệu lực sẽ không được áp dụng quy định mới, không tháo gỡ được vướng mắc của các dự án dẫn đến chưa quyết toán được.

“Đây là một bất công lớn với những NĐT tiên phong bỏ vốn vào đầu tư hạ tầng giao thông theo chủ trương của Đảng, Nhà nước”, một NĐT chia sẻ và kỳ vọng việc sửa đổi NĐ 28 có thể giải quyết được vướng mắc này. Cụ thể, NĐT kiến nghị điều khoản chuyển tiếp của Nghị định sửa đổi NĐ 28 sẽ bổ sung quy định về xác định lãi suất vay vốn được áp dụng đối với các dự án BOT đã ký kết hợp đồng dự án trước thời điểm Nghị định có hiệu lực và tiến tới sửa điều khoản chuyển tiếp tại Thông tư 88 để giảm thiệt hại cho NĐT, DNDA đã đầu tư, khai thác dự án PPP.

Vướng mắc lớn khác với DNDA BOT liên quan đến Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế của DN có giao dịch liên kết, chi phí lãi vay chỉ được ghi nhận một phần dẫn đến DNDA phải nộp thuế thu nhập DN nhiều hơn so với thông thường, có nguy cơ vỡ PATC, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu hoàn vốn của các dự án.

NĐT đề xuất xem xét, điều chỉnh bổ sung khoản chi phí lãi vay mà DN BOT bị loại trừ khi thuộc đối tượng áp dụng quy định khống chế tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với DN có giao dịch liên kết trong nội dung PATC tại Điều 4 NĐ 28 để đảm bảo ghi nhận chi phí khoản lãi vay phát sinh thực tế phù hợp với đặc thù của loại hình DNDA BOT, có lưu ý áp dụng cho các dự án BOT đã ký kết hợp đồng dự án/hợp đồng PPP trước thời điểm NĐ 28 có hiệu lực.

Chuyên đề