Nhà đầu tư e ngại dự án PPP vì quan hệ hợp đồng thiếu bình đẳng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều ý kiến, một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư (NĐT) e ngại tham gia vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) mới là do hợp đồng chưa được tuân thủ và có sự bất bình đẳng. Để tăng sức hấp dẫn cho phương thức đầu tư này, quan hệ hợp đồng bình đẳng cần là nguyên tắc chung đối với các dự án PPP, đồng thời, việc chuẩn bị, đàm phán hợp đồng kỹ lưỡng cũng rất quan trọng để giảm thiểu và xử lý nhanh chóng hơn nếu rủi ro xảy ra.
Một trong những nguyên nhân khiến NĐT e ngại tham gia vào dự án đầu tư theo phương thức PPP mới là do hợp đồng chưa được tuân thủ và có sự bất bình đẳng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Một trong những nguyên nhân khiến NĐT e ngại tham gia vào dự án đầu tư theo phương thức PPP mới là do hợp đồng chưa được tuân thủ và có sự bất bình đẳng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Hệ lụy từ vị thế không cân bằng

“Đã ký hợp đồng với điều khoản rõ ràng rồi, nhưng cơ quan nhà nước vốn không cấp không sao, làm đường khác phân lưu cũng không sao. 8 doanh nghiệp dự án (DNDA) BOT đứng trước nguy cơ phá sản, có DN phản ánh thu chỉ đạt 20% phương án tài chính, 100 năm nữa không thu hồi vốn được, ngân hàng đe dọa nợ xấu… Nguyên nhân là do sự thay đổi về quy hoạch, không được thu phí, phân lưu…, nhưng kêu cứu 4 năm rồi chưa được giải quyết…”. TS. Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam dẫn lại thực tế từ những dự án BOT đang còn nhiều vướng mắc và cho rằng, hợp đồng không được tuân thủ là một trong những nguyên nhân khiến đầu tư PPP thời gian qua ảm đạm. Theo ông Chủng, nhiều hợp đồng PPP không có sự bình đẳng, cơ quan quản lý nhà nước không tuân thủ cũng không có chế tài xử lý.

Nhìn từ góc độ pháp lý, theo Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vietthink, về nguyên lý, NĐT, DNDA được làm những gì luật không cấm, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được làm những gì pháp luật quy định, nên trong hợp đồng dự án PPP, phần quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của NĐT, DNDA thường rất chặt chẽ, kèm theo những chế tài cụ thể nếu có vi phạm. Trong khi đó, phần nghĩa vụ, trách nhiệm và chế tài đối với cơ quan ký kết hợp đồng thường chỉ chung chung, mang tính nguyên tắc, dẫn chiếu quy định pháp luật có liên quan. Khi xảy ra vi phạm hoặc tranh chấp, việc quy trách nhiệm cho cơ quan ký kết hợp đồng và đòi bồi thường thiệt hại cho NĐT, DNDA là rất khó khăn, phức tạp. Thực tiễn đàm phán các hợp đồng dự án PPP nói chung và hợp đồng BOT nói riêng cho thấy, rất khó để có thể thỏa thuận việc phạt vi phạm hợp đồng đối với cơ quan ký kết hợp đồng, nhất là đối với hình thức phạt tiền. Luật PPP, Nghị định 35/2021/NĐ-CP cũng không quy định về các trường hợp cơ quan ký kết vi phạm hợp đồng cũng như chế tài xử lý trong các trường hợp đó, mà chỉ quy định đối với DNDA. Điều này khiến các DNDA không có cơ sở pháp lý để đàm phán khi ký kết hợp đồng và phần nào thể hiện vị thế không cân bằng giữa các bên tham gia. Ông Vinh cho rằng, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho mô hình PPP trở nên kém hấp dẫn nhà đầu tư.

Cách nào để dự án PPP thành công?

Nhìn lại những vướng mắc của nhiều dự án BOT giao thông thời gian qua, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nguyên nhân quan trọng là do chuẩn bị hợp đồng dự án giai đoạn 2011 - 2015 kém, điều khoản hợp đồng có nhiều lỗ hổng, mâu thuẫn. Trong khi đó, theo ông Đức, các hợp đồng BOT nhà máy điện tốt hơn rất nhiều, tiên đoán nhiều vấn đề xảy ra, ít trường hợp dự án bị treo lại do không xử lý được các vấn đề trong hợp đồng. Trong đó, hợp đồng BOT ngành điện tiên đoán trường hợp thay đổi pháp luật rất kỹ, bao quát rất rộng, bao gồm cả thay đổi pháp luật về môi trường, thuế, phí, thay đổi quy định của địa phương. Theo ông Đức, điều khoản bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật là rất quan trọng đối với hợp đồng PPP.

Còn theo ông Lê Đình Vinh, các dự án PPP có đặc điểm chung là thời gian hoạt động khá dài, trong quá trình triển khai thực hiện chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, mỗi sự thay đổi về chính sách, pháp luật sẽ kéo theo những tác động đến các dự án PPP cũng như có thể đe dọa xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của NĐT, DNDA. Do vậy, để tạo sự yên tâm cho NĐT, DNDA, pháp luật về PPP cần ghi nhận nguyên tắc NĐT, DNDA được bảo lưu và được hưởng các quy định có lợi hơn trong quá trình thực hiện hợp đồng như một nguyên tắc cốt lõi chi phối hợp đồng dự án PPP. Luật PPP không trực tiếp quy định nguyên tắc này, nhưng được ghi nhận tại Điều 13 Luật Đầu tư 2020 như một biện pháp bảo đảm đầu tư.

Đối với nhóm điều khoản mua lại dự án, ông Vinh cho rằng, để thực hiện được, hợp đồng cần quy định rất rõ vấn đề bố trí nguồn vốn mua lại, phương pháp xác định giá mua lại... để tránh gặp phải những bế tắc như nhiều dự án hiện nay.

Từ thực tế bất bất bình đẳng trong quan hệ hợp đồng, nhiều chuyên gia cũng như nhà đầu tư cho rằng, PPP chỉ thành công khi cơ chế pháp luật đặt cơ quan nhà nước vào vị trí đối tác của tư nhân khi ký kết, thực hiện hợp đồng dự án.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư