Lợi nhuận của các nhà băng được dự báo khá tích cực trong năm 2020 bất chấp tác động từ dịch Covid-19. Ảnh: Tiên Giang |
Tại Báo cáo ngành ngân hàng năm 2020 và triển vọng năm 2021 vừa công bố, nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VCBS kỳ vọng lạc quan hơn ở nhiều ngân hàng so với giai đoạn đầu năm. Số liệu thống kê cho thấy, huy động từ khách hàng của hệ thống ngân hàng tăng 10,6% tính đến ngày 24/11. Lãi suất huy động niêm yết trung bình đã giảm 100 - 120 điểm cơ bản tùy theo kỳ hạn tính từ đầu năm 2019. Nhờ đó, chi phí vốn của các ngân hàng ghi nhận giảm nhanh ở quý III/2020.
Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý là tín dụng có dấu hiệu tăng tốc trở lại. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 27/11/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 8,46% so với cuối năm 2019. Theo VCBS, với định hướng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, NHNN đã thực hiện nới hạn mức tăng trưởng cho nhiều ngân hàng đáp ứng đủ 2 yếu tố, gồm: có sức khỏe tài chính và có khả năng tăng trưởng.
Đó cũng là những yếu tố mang tính “đầu vào” để dự báo lợi nhuận của các nhà băng có thể khá tích cực trong năm nay dù chịu tác động từ dịch Covid-19. Theo Nhóm nghiên cứu của FiinGroup, trong quý IV, biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng vẫn sẽ ở mức cao do lãi suất huy động tiếp tục giảm.
Với điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, FiinGroup dự đoán lợi nhuận sau thuế của 21 ngân hàng niêm yết sẽ tăng 10,2% so với năm 2019, đây là con số khả quan trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp suy giảm.
Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận khoảng 10% có thể sẽ đúng trên sổ sách tổng kết năm nay của các ngân hàng nhưng đó là con số khó kiểm chứng về tính chân thực.
Ông Hiếu cho rằng, việc áp dụng Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ do dịch Covid-19 cho phép các nhà băng đang được phép chưa chuyển nhóm nợ với các khoản vay thuộc diện chuyển nhóm. Điều này khiến mức trích lập dự phòng có thể thấp hơn con số thực tế cần trích lập, nhờ đó, lợi nhuận chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Về diễn biến lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm 2021, theo ông Hiếu, dự kiến vào năm sau, Thông tư 01 sẽ hết hiệu lực và bức tranh nợ xấu - lợi nhuận của các ngân hàng sẽ rõ ràng hơn. Mặt khác, thực trạng kinh doanh của các ngân hàng phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nói riêng và triển vọng nền kinh tế nói chung.
Xu hướng tích cực nhất là tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát tốt thì triển vọng phục hồi sẽ mạnh mẽ với các nền kinh tế, giao dịch kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước được nối lại. Khi đó, kinh tế Việt Nam khởi sắc, kết quả kinh doanh của các ngân hàng chắc chắn tích cực.
“Tuy nhiên, một số dự báo cho rằng, kinh tế thế giới có thể tăng trưởng âm 4 - 5% trong năm 2020, nhiều nước có thể đến tận nửa cuối năm 2021 mới có thể kiểm soát được dịch bệnh. Trong trường hợp đó, nếu Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát những đợt lây nhiễm và không lặp lại tình trạng phải khoanh vùng cách ly, tiếp tục các giải pháp hỗ trợ hồi phục kinh tế trong nước thì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn có khả năng duy trì đà tăng trưởng và ngân hàng được lợi”, ông Hiếu nói.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tăng trưởng tín dụng khả quan nhờ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hồi phục sẽ hỗ trợ ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận trong năm nay. Tuy nhiên, ngành ngân hàng vẫn đang đứng trước rất nhiều rủi ro, biến động khó lường trong năm tới 2021 khi nợ xấu tiềm ẩn tăng nhanh và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành này trong năm sau.