Kiểm soát tín dụng để hạn chế rủi ro

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Các ngân hàng tiếp tục được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay. Đó là những tín hiệu tích cực cho thấy nguồn vốn sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. Tuy nhiên, vẫn cần kiểm soát dòng vốn này để tránh tình trạng vốn giá rẻ đổ vào các kênh đầu tư rủi ro.

Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 lần thứ hai cho một số ngân hàng thương mại. Ảnh: Lê Tiên
Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 lần thứ hai cho một số ngân hàng thương mại. Ảnh: Lê Tiên

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 27/11/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 8,46% so với cuối năm 2019. Cơ quan này đã chủ động điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng của nhiều tổ chức có khả năng mở rộng hoạt động tín dụng lành mạnh để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế.

Theo nguồn tin của Trung tâm Phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), gần đây, NHNN đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2020 lần thứ hai cho một số ngân hàng thương mại (NHTM), trong đó mức cao nhất lên tới 30%.

Một số ngân hàng, đáng chú ý là các NHTM nhà nước, đã tung ra gói cho vay sản xuất kinh doanh, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất ưu đãi để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm. Mức lãi suất cho vay dao động từ 4,8% - 6,5%/năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5 - 7,5%/năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng.

Về mặt bằng lãi suất, NHNN khẳng định, mặt bằng lãi suất nói chung trong nền kinh tế đã giảm mạnh. Từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm từ 1,5 - 2%/năm đối với lãi suất điều hành, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn. Từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh.

So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối khả năng tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; triệt để tiết giảm chi phí hoạt động, tập trung mọi nguồn lực để giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Các chính sách của NHNN đã góp phần giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Đến tháng 10/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 0,6% - 0,8%/năm so với cuối năm 2019, trong đó, một số ngân hàng đã giảm từ 1% - 2,5%/năm. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm so với đầu năm, hiện ở mức 4,5%/năm.

Bình luận về mức tăng trưởng tín dụng khả quan và mặt bằng lãi suất giảm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV - cho rằng, đó là điều tích cực, cho thấy nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn ở mức cao, dư nợ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tín dụng nông nghiệp ở mức khả quan. Vị chuyên gia này cho rằng, tăng trưởng tín dụng cả năm nay nhiều khả năng sẽ vượt 10%.

Trong khi đó, quan sát diễn biến tăng trưởng tín dụng và lãi suất trên thị trường trong mối tương quan với biến động trên thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, vẫn cần lưu tâm và giám sát chặt chẽ dòng vốn để tránh tình trạng nguồn vốn giá rẻ chảy vào các kênh đầu tư rủi ro.

Theo ông Hiếu, rất nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, đang biến động theo hình chữ K. Nghĩa là, một số nhóm ngành, doanh nghiệp phục hồi và đạt kết quả khả quan, trong khi ngược lại, có nhiều doanh nghiệp thuộc một số nhóm ngành khác lại suy giảm. Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, tuy nhiên, mức tăng trên 10% tính đến ngày 16/12 của chỉ số VN-Index (so với đầu năm) chưa phản ánh sát với diễn biến, sức khỏe của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Hay nói cách khác, thị trường chứng khoán chưa phải là hàn thử biểu cho nền kinh tế ở thời điểm này.

Về bất động sản, theo ông Hiếu, tín dụng vào lĩnh vực này vẫn tăng dù yếu hơn so với mức tăng của các năm trước. Điều này chưa đáng ngại bởi đà tăng khá tương thích với đà tăng trưởng của nền kinh tế.

“Dù chưa có dấu hiệu rõ rệt về dòng vốn giá rẻ đổ vào các kênh đầu tư rủi ro như bất động sản và chứng khoán nhưng vẫn cần thận trọng kiểm soát. Về nguyên tắc, các hồ sơ vay được lập và giải ngân dựa trên cơ sở thẩm định dự án kinh doanh, đồng thời theo dõi tiến độ thực hiện dự án. Tuy nhiên, từng có nhiều trường hợp việc phê duyệt hồ sơ vay vốn chỉ dựa trên tài sản đảm bảo, điều này có thể dẫn đến tình trạng mục đích vay là để sản xuất kinh doanh nhưng thực chất lại dùng vốn cho đầu tư kinh doanh chứng khoán hoặc bất động sản. Nếu không kiểm soát chặt, nguồn vốn giá rẻ có thể vào các kênh rủi ro nhưng trên số liệu thống kê vẫn là vào kênh sản xuất kinh doanh, gây rủi ro cho nền kinh tế”, ông Hiếu nói.

Chuyên đề