Quý I/2021, một số ngân hàng có nợ xấu tăng trên 40% so với cuối năm ngoái. Ảnh: Song Lê |
Báo cáo tài chính quý I của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho thấy, tổng nợ xấu của ngân hàng này lên đến 2.954 tỷ đồng trong quý I/2021 từ mức 1.839 tỷ đồng cuối năm 2020, tương ứng mức tăng 60,5%. Các con số này của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lần lượt là 7.697 tỷ đồng và 5.230 tỷ đồng, tương ứng mức tăng hơn 47%.
Trong khi đó, tại nhiều ngân hàng khác, tổng nợ xấu chỉ tăng nhẹ dưới 10%. Chẳng hạn, mức tăng nợ xấu tại BIDV, LienVietPostBank, VIB, SHB và VPBank lần lượt là 1,9%, 3,6%, 3,7%, 4,8% và 5%.
Liên quan nội dung này, báo cáo về lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam vừa được khối nghiên cứu của Ngân hàng HSBC công bố nêu rõ: “Dù nợ xấu được thể hiện trong bảng cân đối kế toán chỉ tăng nhẹ vào năm 2020, nhưng nên lưu ý đến rủi ro nợ xấu có hệ thống đang gia tăng. Đã đến lúc cần đánh giá lại sức khỏe của ngành ngân hàng Việt Nam”. Nhận định đó được đưa ra dựa trên phân tích bảng cân đối kế toán của 4 ngân hàng thương mại nhà nước (“Big 4”) - chiếm một nửa tổng dư nợ tín dụng của toàn ngành ngân hàng.
Theo HSBC, sự gia tăng mạnh mẽ của cho vay tiêu dùng năm 2020 và gia tăng các khoản vay của hộ gia đình là mối lo ngại lớn, đặc biệt khi thị trường lao động vẫn còn yếu. Tỷ trọng cho vay hộ gia đình tại "Big 4" đã tăng đáng kể từ 28% năm 2013 lên 46% vào năm 2020.
Nếu tính cả các khoản cho vay bị giảm giá trị như: các khoản nợ bán cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); các khoản nợ được tái cơ cấu theo Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ thì nợ xấu ước tính sẽ tăng từ dưới 5% năm 2019 lên 7% năm 2020.
Hơn nữa, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản cũng tăng tốc kể từ tháng 12/2020, khiến Ngân hàng Nhà nước phải lên tiếng cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn.
Theo HSBC, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng, quá trình này đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Việt Nam yếu hơn so với các nước trong khu vực ASEAN. Việt Nam cũng là nước ASEAN duy nhất có hệ số CAR chưa đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu ở mức 8% theo Hiệp ước Basel II. Đặc biệt, hệ số CAR vẫn đang ở mức thấp tại một số ngân hàng quốc doanh. Do đó, Việt Nam cần đẩy nhanh kế hoạch tăng vốn, áp dụng tiêu chuẩn Basel II vốn đã bị trì hoãn hạn chót từ năm 2020 đến năm 2023.
“Tăng trưởng kinh tế tích cực có thể tạm thời chặn đà suy giảm sức khỏe của lĩnh vực ngân hàng. Đây là thời điểm lĩnh vực ngân hàng cần khôi phục hoạt động cải cách và xây dựng các tấm đệm vốn mạnh mẽ để đối phó với các rủi ro tiềm ẩn”, báo cáo của HSBC nhấn mạnh.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, diễn biến dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, thậm chí phải dừng hoạt động khiến nợ xấu có thể tăng lên. Dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN cho phép các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ với nhiều khoản vay, song ngành ngân hàng vẫn phải đối diện thách thức tỷ lệ nợ xấu có thể lên mức 2,5 - 3% vào cuối năm 2021.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, công tác tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả nhất định, đảm bảo an toàn hệ thống. Đáng chú ý, việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng giúp quá trình này có tiến triển và kết quả tốt. Nếu như không có đại dịch Covid-19 thì kết quả sẽ theo đúng lộ trình tại Nghị quyết. Tuy nhiên, do tác động của đại dịch nên nợ xấu có xu hướng tăng lên.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc mới đây với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cơ quan này cần có giải pháp trước mắt và lâu dài trong việc xử lý nợ xấu, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát chặt chẽ. Việc tái cơ cấu và xử lý nợ xấu cần làm quyết liệt nhưng chắc chắn trên nguyên tắc đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn tiền gửi của người dân, phối hợp các bộ, ngành tạo cơ chế phù hợp thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia tái cơ cấu đảm bảo hiệu quả.