Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
“Bão” Covid vẫn lập kỷ lục thấp về nợ xấu
Vị này cho biết, trong một năm mà bối cảnh chung của nền kinh tế hứng chịu hết dịch bệnh lại đến thiên tai, sản xuất đứt gãy, xuất nhập khẩu, kinh doanh có lúc ngừng trệ…, tức là các doanh nghiệp - con nợ của ngân hàng - rơi vào tình cảnh cực kỳ khó khăn, nhiều ngân hàng lại giữ được tỷ lệ nợ xấu rất thấp, dưới 1%.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), trong buổi gặp cuối năm với báo chí mới đây, rất tự hào khi thông báo rằng, trong số các kỷ lục Vietcombank thiết lập được trong năm 2020 có con số về nợ xấu. Ông Thành cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng đã được kéo xuống mức thấp nhất trong lịch sử của Vietcombank, cũng là mức thấp nhất toàn ngành là 0,6%. Con số này cũng gây bất ngờ cho thị trường. Bởi trước đó, báo cáo tài chính quý III/2020 công bố tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank đến 31/9/2020 là 1,01%, tăng đáng kể so với tỷ lệ 0,79% cuối năm 2019. Nợ xấu thấp, chất lượng tín dụng cao nhưng Vietcombank vẫn tăng mạnh quỹ dự phòng đến mức tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu đến cuối năm 2020 của Vietcombank lên tới 380%, tức là 100 đồng nợ xấu được trích lập 380 đồng dự phòng (con số này vào đầu năm chỉ là 182%).
Bên cạnh Vietcombank, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng công bố kết quả kinh doanh tích cực hơn các năm trước. Riêng nợ xấu của Ngân hàng cũng là một điểm sáng bởi đã giảm mạnh xuống dưới 1%, thấp hơn cả cuối năm 2019. Con số này của VietinBank đến cuối quý III/2020 là 1,87%, tăng đáng kể so với tỷ lệ 1,16% cuối năm 2019. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này không “đọ” được với Vietcombank nhưng cũng ở mức cao 130%.
Thông tin từ một số ngân hàng nhỏ cho thấy chất lượng tín dụng được kiểm soát tốt, mặc dù có những lo ngại về nợ xấu của ngành ngân hàng khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Đơn cử, kết thúc năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) ở mức 1,14%, thấp hơn năm 2019.
Năm 2021, nợ xấu ở mức nào?
Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nợ xấu được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp thu hồi nợ được các tổ chức tín dụng nỗ lực thực hiện đạt kết quả tích cực, chứng minh sự đúng đắn, hiệu quả của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Mặc dù đến cuối tháng 10/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2% nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đánh giá, đây là tất yếu khách quan, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của ngành trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, con số nợ xấu trên có thể chưa phản ánh đúng về nợ xấu, bởi với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ thực hiện thì nhiều khoản nợ chưa được chuyển nhóm. Do đó, về thực chất, con số nợ xấu có thể cao hơn.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực ước tính, nợ xấu gộp đến cuối năm 2020 là khoảng 4,5%, đến năm 2021 có thể tăng lên 5 - 6%. Các khoản trích lập dự phòng tăng cao cũng sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2021.
Theo Nghị quyết số 01/NQ-CP, năm 2021, mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC, nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ (không bao gồm nợ xấu của các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) là dưới 5%. Chỉ tiêu này đòi hỏi các ngân hàng và toàn ngành phải tích cực thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu cũ và kiểm soát nợ xấu mới.
Nhiều ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng
Báo cáo chính thức của các ngân hàng cho thấy, đến hết 30/9/2020, VietinBank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 11.458,3 tỷ đồng; Vietcombank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là 6.033,2 tỷ đồng; BIDV là 16.119,2 tỷ đồng; MSB là 880,1 tỷ đồng; VIB là 659,6 tỷ đồng; HDBank là 1.132,6 tỷ đồng; ACB là 694,2 tỷ đồng; ABBank là 402,7 tỷ đồng; VPBank là 10.303,5 tỷ đồng…