Nỗ lực giảm lãi suất trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước tác động của dịch Covid-19 và nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, mặt bằng lãi suất đã giảm trong 2 năm vừa qua. Tiếp tục giảm lãi suất là một trong những nội dung được nêu tại Dự thảo Chương trình phục hồi kinh tế đang được thảo luận tại Quốc hội, tuy nhiên, dư địa thực hiện điều này là không lớn.
Dự báo mặt bằng lãi suất ổn định trong quý I và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022. Ảnh: Tiên Giang
Dự báo mặt bằng lãi suất ổn định trong quý I và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022. Ảnh: Tiên Giang

Kết quả cuộc Điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy, dù khoảng đầu tháng 12/2021, một số ngân hàng có điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động vốn, nhưng mặt bằng lãi suất huy động - cho vay tính đến cuối năm 2021 vẫn được các TCTD kỳ vọng xu hướng “giảm” so với cuối năm 2020, dự báo mặt bằng lãi suất được giữ ổn định trong quý I/2022 và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022.

Các TCTD kỳ vọng nhu cầu tín dụng tiếp tục cải thiện trong quý I/2022 và cả năm 2022, trong đó nhóm ngành chế biến chế tạo, kinh doanh xuất nhập khẩu, mua nhà để ở, sản xuất phân phối điện và xây dựng là 5 lĩnh vực có nhu cầu vay tăng cao nhất trong năm 2022, phù hợp với kỳ vọng nền kinh tế phục hồi.

Tại Báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2022, nhóm nghiên cứu Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm, tuy nhiên lãi suất tiền gửi sẽ tăng trở lại trong năm sau.

Liên quan đến lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã áp dụng “gói cấp bù lãi suất” 3.000 tỷ đồng, tức các ngân hàng sẽ cho vay khoảng 100.000 tỷ đồng với lãi suất 3 - 4%/năm đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Thêm vào đó, Chính phủ cũng có dự định nâng quy mô gói lên 10.000 - 20.000 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ các khách hàng như: doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tham gia vào những dự án quốc gia và các doanh nghiệp trong ngành du lịch, hàng không, vận tải…

Dựa trên các chính sách hỗ trợ này, VNDirect kỳ vọng lãi suất cho vay trung bình sẽ giảm 10 - 30 điểm cơ bản trong năm 2021. Ngược lại, lãi suất tiền gửi sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại do nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng, áp lực lạm phát trong năm 2022, sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên mức 5,9 - 6,1%/năm vào cuối năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức 6,8%/năm trước giai đoạn dịch bệnh.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, dư địa hạ lãi suất còn nhưng không nhiều do mặt bằng lãi suất hiện đã giảm thấp và xu thế của thế giới hiện nay là bắt đầu tăng lãi suất cũng như dần thu hẹp các gói hỗ trợ… Bên cạnh đó, áp lực lạm phát đang tăng lên và nợ xấu trong hệ thống tài chính - ngân hàng cũng là vấn đề rất thách thức. Tuy nhiên, theo ông Lực, có thể sử dụng một số biện pháp cả gián tiếp và trực tiếp như sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở hỗ trợ TCTD duy trì lãi suất ở mức thấp, giúp TCTD phấn đấu giảm lãi suất thêm 0,5 - 1% bình quân trong năm 2022 và duy trì ổn định trong năm 2023.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2022, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng tiếp tục đề nghị các TCTD nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh doanh của tổ chức mình, tiếp tục rà soát cắt giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro và tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tiếp đó, tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội cuối tuần qua, giải trình làm rõ thêm chính sách tiền tệ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, giảm lãi suất là vấn đề mà doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Đây cũng được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành của NHNN. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã chỉ đạo các TCTD điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 là khoảng 1%, vào năm 2021 tiếp tục giảm khoảng 0,8%.

“Trong xây dựng Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội lần này, Chính phủ cân nhắc đưa ra giải pháp phấn đấu hệ thống các TCTD giảm mặt bằng lãi suất từ 0,5% - 1% lãi suất trong 2 năm. Trong bối cảnh hiện nay, lạm phát trên thế giới có xu hướng gia tăng và các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ, tăng lãi suất. Trước thực thế đó, nền kinh tế của chúng ta đặt ra yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất thì đây là một vấn đề khó khăn”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Chuyên đề