Những yếu tố tác động đến kinh tế Trung Quốc nửa cuối năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Triển vọng kinh tế Trung Quốc trong nửa cuối năm nay sẽ được quyết định bởi sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ nước này đối với các đợt bùng phát Covid-19 và thị trường bất động sản.

Theo Bloomberg, các dấu hiệu ban đầu có vẻ tiêu cực khi số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5, khiến nhiều khu vực bị phong tỏa hơn. Bên cạnh đó, làn sóng “tẩy chay thế chấp” ở hàng chục thành phố đang làm gia tăng nhận thức của các hộ gia đình về việc các nhà phát triển bất động sản không có khả năng hoàn thành dự án nhà ở. Điều này dẫn tới nguy cơ thị trường bất động sản sẽ càng suy giảm mạnh hơn.

Sau khi dữ liệu mới đây cho thấy tăng trưởng gần như chững lại trong quý II, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP cả năm của Trung Quốc xuống còn khoảng 3%, thấp hơn nhiều mục tiêu chính phủ nước này đặt ra là khoảng 5,5%.

Quý II vừa qua, GDP của Trung Quốc tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2021, mức thấp thứ 2 trong lịch sử. Nguyên nhân lớn nhất là các cuộc phong tỏa ở hàng chục thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của Omicron. “Không gì tệ hơn các cuộc phong tỏa thành phố quy mô lớn và sự đình trệ của hoạt động kinh tế”, ông Gary Ng - nhà kinh tế tại Natixis nhận xét.

Theo nghiên cứu mới đây của các nhà kinh tế tại Nomura, Trung Quốc đang chịu sự chi phối của “Chu kỳ kinh doanh Covid-19”. Đầu tiên, số ca nhiễm gia tăng khiến doanh nghiệp bị đóng cửa. Khi số ca bệnh giảm, sự kích thích của chính phủ giúp hoạt động kinh tế phục hồi, có thể dẫn tới một làn sóng dịch mới. Với các biến thể mới như BA.5 được phát hiện gần đây tại một số thành phố, tốc độ và thời gian của các đợt phong tỏa trở nên rất khó đoán.

Về mặt tích cực, chính quyền địa phương Trung Quốc ngày càng thành thạo trong việc duy trì vận chuyển hàng hóa và nhà máy trong các đợt phong tỏa.

“Tôi kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ phản ứng với sự gia tăng ca nhiễm Covid-19 bằng các cuộc phong tỏa cục bộ, hẹp hơn thay vì áp dụng trên quy mô toàn thành phố như tháng 4 và tháng 5, nhằm tránh gây ra gián đoạn nghiêm trọng tới sự phục hồi kinh tế”, chuyên gia đầu tư tại Matthews Asia Andy Rogthman nhận xét.

Ảnh Internet

Ảnh Internet

Sự suy giảm của thị trường bất động sản Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn trong quý II. Một phần nguyên nhân đến từ các đợt phong tỏa làm ảnh hưởng tới thu nhập hộ gia đình, khiến nhu cầu mua nhà không còn như trước.

Theo Bloomberg, sự suy yếu của thị trường bất động sản Trung Quốc càng kéo dài thì khả năng phục hồi ngày càng khó hơn, ngay cả khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ. Dấu hiệu cảnh báo mới nhất là khách mua nhà tại hàng chục thành phố từ chối thanh toán các khoản vay thế chấp, đe dọa cả ngành ngân hàng. Làn sóng này cũng gửi thông điệp rõ ràng tới những người mua tiềm năng là nhà của họ có thể không được bàn giao đúng thời hạn.

Các nhà kinh tế đang theo dõi dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tung ra các biện pháp mạnh hơn để hỗ trợ thị trường nhà ở. Theo Công ty tư vấn TS Lombard, dự kiến Ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ cắt giảm lãi suất cho vay chính sách 10 điểm cơ bản, qua đó tác động đến lãi vay thế chấp, và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết, Trung Quốc có thể chấp thuận các đợt bán trái phiếu chính quyền địa phương với quy mô chưa từng có, góp phần mang đến 7.200 tỷ Nhân dân tệ (1.100 tỷ USD) để đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm nay. Điều này có thể thúc đẩy việc làm và chi tiêu hộ gia đình.

Rắc rối là tuy việc bán trái phiếu có thể tạo ra thêm nguồn tài trợ cho chính quyền địa phương nhưng nguồn thu truyền thống từ việc bán đất và thuế lại sụt giảm. Theo nhà kinh tế Wang Tao của UBS Group, ước tính trong nửa đầu năm 2022, nguồn thu của các chính quyền địa phương thiếu hụt đến 2.700 tỷ Nhân dân tệ.

Bà Tao kêu gọi chính quyền trung ương cân nhắc phát hành 1.000 tỷ Nhân dân tệ trái phiếu đặc biệt để bổ sung ngân sách. Nếu không có thêm biện pháp hỗ trợ, bà cho rằng, Trung Quốc thậm chí còn khó có thể tăng trưởng 3% trong cả năm.

Ngoài ra, thời tiết cũng là yếu tố khó lường khi Trung Quốc trải qua nắng nóng kỷ lục và mưa lũ trong những tuần gần đây, khiến cho việc xây dựng bị đình đốn.

Chuyên đề