Những “ông lớn” kéo lùi hiệu quả khối DNNN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến hết năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) trên tổng số 676 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối đạt 1,154 triệu tỷ đồng, tổng tài sản hợp nhất đạt 2,491 triệu tỷ đồng, chiếm 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Dù nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ nhưng nhiều DNNN có hiệu quả hoạt động chưa tương xứng.
Đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Ảnh: Lê Tiên
Đến hết năm 2022, Việt Nam còn khoảng 478 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Ảnh: Lê Tiên

Hiệu quả chưa tương xứng

Bên cạnh những đánh giá tích cực, ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm, trong đó có những DN quy mô lớn, có vai trò quan trọng.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, không ít DN lớn đối mặt thua lỗ trong nửa đầu năm nay. Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận doanh thu 229.880 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm 99,6%, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn của EVN lại vượt doanh thu với mức 245.068 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp âm 15.000 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, EVN lỗ sau thuế 29.107 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 16.586 tỷ đồng. Tổng số lỗ lũy kế của DN này đến ngày 30/6/2023 là 43.845 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 194,456 tỷ đồng, tương ứng giảm 13,7%.

Hiện EVN là DN có tổng tài sản lớn nhất cả nước, đạt 632.418 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2023, trong đó, nợ phải trả ở mức 437.962 tỷ đồng, chiếm 69,2% tổng tài sản.

Do gặp nhiều khó khăn từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) liên tục lỗ trong giai đoạn 2020 - 2022, lần lượt 11.178 tỷ đồng, 13.278 tỷ đồng và 10.369 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2023, hãng hàng không này tiếp tục lỗ 1.331 tỷ đồng. Tuy nhiên, điểm tích cực là con số này đã thấp hơn mức lỗ 5.237 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2022.

Vietnam Airlines cho biết, 6 tháng đầu năm nay, hoạt động kinh doanh vận tải vẫn chưa cân bằng được thu chi do thị trường quốc tế chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt là các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông; các yếu tố rủi ro tài chính và chi phí đầu vào như giá nguyên liệu, tỷ giá, lãi suất vẫn tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBQLVNN ước tính Vietnam Airlines có thể lỗ trước thuế 4.515 tỷ đồng trong năm 2023.

Không còn hưởng lợi từ giá phân bón, hóa chất tăng cao như nửa đầu năm 2022, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lỗ 435 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023. Điểm tích cực là tổng nợ vay của Tập đoàn giảm hơn 2.600 tỷ đồng.

Ngoài các đơn vị trên, một số DN như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) và Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) có hiệu quả kinh doanh chưa cao.

Đối với Vinafood II, sau nhiều năm lỗ liên tiếp (năm 2019 lỗ 143 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 210 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 298 tỷ đồng), năm 2022 đã có lãi ròng trở lại 21 tỷ đồng, tương ứng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức 0,86%. Với Vinafood I, DN này luôn duy trì được mức lợi nhuận ròng trên 280 tỷ đồng trong 5 năm gần đây, nhưng ROE 2 năm gần nhất (2021, 2022) chỉ quanh mức 4%. Nửa đầu năm 2023, Vinafood II tiếp tục lãi ròng 9,4 tỷ đồng, còn Vinafood I lãi ròng 75,2 tỷ đồng.

Có thể thấy ROE của Vinafood I và Vinafood II thấp hơn đáng kể so với các DN cùng ngành như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (ROE luôn trên 10%) hay Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (ROE luôn trên 6%).

Với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, năm 2021 và 2022, doanh nghiệp này lỗ ròng lần lượt 585,7 tỷ đồng và 111,9 tỷ đồng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Nửa đầu năm 2023, Tổng công ty có lãi trở lại 122,4 tỷ đồng, con số khiêm tốn so với tổng tài sản 18.654 tỷ đồng (tính đến 30/6/2023) của DN này.

478 doanh nghiệp nhà nước ước lãi 117,3 nghìn tỷ đồng năm 2023

Theo số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến 30/6/2023, tổng doanh thu của các DNNN đạt gần 690 nghìn tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023. Lãi phát sinh trước thuế là 67,4 nghìn tỷ đồng. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách nhà nước là 67.233 tỷ đồng, đạt 56% so với kế hoạch năm.

Ước cả năm 2023, tổng doanh thu của khu vực DNNN ước đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt hơn 117,3 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch. Tổng thuế và các khoản phát sinh nộp ngân sách nhà nước của DNNN năm 2023 ước đạt gần 129 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với kế hoạch.

Có thể thấy, trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của DN còn nhiều khó khăn do tác động của xung đột Nga - Ukraine và bất ổn của kinh tế thế giới, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư