Những gói thầu “giữa đường đứt gánh”

(BĐT) - Từ đầu năm 2023 đến nay, số lượng nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng gia tăng đột biến. Phần lớn lý do bị chấm dứt hợp đồng của nhà thầu là không còn năng lực, tài chính để tiếp tục thi công, không thể hoàn thành gói thầu. Trong đó, có nhiều trường hợp nhà thầu dự thầu và trúng thầu với giá chào rất thấp, thậm chí theo đánh giá của các chuyên gia là bất thường.
Thời gian qua, nhiều nhà thầu gặp khó khăn về tài chính, dẫn tới thi công bê trễ, thậm chí không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Ảnh: Tiên Giang
Thời gian qua, nhiều nhà thầu gặp khó khăn về tài chính, dẫn tới thi công bê trễ, thậm chí không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng. Ảnh: Tiên Giang

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lào Cai công bố chấm dứt hợp đồng Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án San gạt mặt bằng và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Sơn Mãn, xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai với Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp Thái Dương. Gói thầu có giá 40,318 tỷ đồng, Nhà thầu Thái Dương trúng thầu với giá 28,896 tỷ đồng (giảm khoảng 30%). Gói thầu thực hiện trong 410 ngày, hợp đồng theo đơn giá cố định.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Lào Cai, hợp đồng được ký từ ngày 13/5/2019, sau đó phải gia hạn đến 3 lần. Lần gia hạn cuối cùng, thời hạn hoàn thành hợp đồng là 30/6/2023. Tuy nhiên, thực tế nhà thầu hoàn toàn không đủ năng lực, tài chính để tiếp tục thi công. Dù bị nhắc nhở, chấn chỉnh, phạt nhiều lần, nhưng Nhà thầu đã không thi công trong thời gian liên tục 56 ngày.

Tại Quảng Ngãi, Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Ánh Nguyện vừa bị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Mộ Đức chấm dứt hợp đồng tại Gói thầu số 03 Thi công xây lắp công trình thuộc Dự án Trường Tiểu học Đức Chánh. Gói thầu có giá 4.101.833.000 đồng, Nhà thầu Ánh Nguyện trúng thầu với giá 3.199.626.000 đồng (giảm 902 triệu, tương đương 22%). Thi công từ năm 2021 đến nay, Nhà thầu Ánh Nguyện vẫn không thể hoàn thành hợp đồng. Đặc biệt, kể từ tháng 4/2023, Nhà thầu không huy động nhân sự, thiết bị để thi công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ Dự án.

Tháng 4/2023, Công ty Truyền tải điện 2 chọn Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Phát trúng Gói thầu số 10 Sửa chữa vỉa hè, nền đường nội bộ TBA 220Kv Đồng Hới thuộc Kế hoạch sửa chữa lớn năm 2023. Gói thầu có giá 2.044.047.557 đồng, giá trúng thầu là 1.456.976.652 đồng (giảm 587 triệu đồng, tương đương gần 30%); thời gian thực hiện hợp đồng 90 ngày. Tuy nhiên, Nhà thầu không nộp bảo đảm thực hiện hợp đồng và không triển khai thi công.

Tại Gói thầu số 4 Tư vấn giám sát thi công xây dựng thuộc Dự án Sửa chữa lề, mặt đường, hoàn thiện hệ thống an toàn giao thông các đoạn Km31+800 - Km32+720, Km34 - Km34+773, Km39+700 - Km40+376, Km68 - Km75, Quốc lộ 54, tỉnh Vĩnh Long, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Công nghệ mới trúng thầu với giá 248 triệu đồng (giá gói thầu 543 triệu đồng). Tuy nhiên, theo BMT, trong quá trình thực hiện hợp đồng, Nhà thầu không bố trí nhân sự theo hợp đồng. Ban đã liên tục nhắc nhở, phê bình và phát hành 4 biên bản phạt vi phạm, nhưng Nhà thầu không khắc phục, khiến BMT buộc phải chấm dứt hợp đồng.

Tại Gói thầu Cung cấp dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng máy lạnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Liên danh Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Tuyết Hưng - Công ty TNHH Anh Tuấn HVAC được lựa chọn với giá trúng thầu là 4,091 tỷ đồng (giá gói thầu là 5,497 tỷ đồng) thời gian thực hiện hợp đồng 12 tháng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa tới 1 tháng, Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập gần 20 biên bản vì Nhà thầu không huy động đúng, đủ nhân sự như đã cam kết, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ của Gói thầu, hoạt động của Bệnh viện.

Trao đổi với phóng viên, một số chủ đầu tư cho biết, việc đánh giá hồ sơ dự thầu đều dựa trên nguyên tắc đánh giá từ năng lực kinh nghiệm đến kỹ thuật rồi mới xét giá. Tuy nhiên, rủi ro xảy ra khi nhà thầu trúng thầu gặp khó khăn về tài chính, dẫn tới thi công bê trễ, thậm chí không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Một chuyên gia về đấu thầu cho biết, thực tế, đơn giá các chi phí cấu thành nên giá gói thầu (nhân công, ca máy, vật liệu…) do các địa phương công bố đều thấp so với mặt bằng thực tế. Do đó, giảm giá 10% là nhà thầu đã phải tính toán rất nhiều, thậm chí chấp nhận bù lỗ để hy vọng có việc làm, có doanh thu. Do áp lực tìm kiếm đơn hàng, hợp đồng, nhiều nhà thầu đã dự thầu với giá thấp bất thường. “Theo quy định của Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, uy tín đối với việc hoàn thành hợp đồng của nhà thầu được đánh giá rất nghiêm. Vì vậy, các nhà thầu cần thận trọng, cân nhắc khi xây dựng giá dự thầu, tránh việc chào giá thấp để trúng thầu nhưng lại không thể thực hiện hợp đồng. Nhà thầu bị chấm dứt hợp đồng sẽ bị đánh giá uy tín rất thấp khi tham dự các gói thầu tương tự”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư