Việt Nam đang duy trì năng lực sản xuất bình quân 27 triệu con lợn mỗi năm, đứng thứ 3 thế giới về số lượng đầu lợn. Ảnh: Quang Đức |
Tuy khối lượng còn thấp, nhưng XK chính ngạch đã mang lại cho DN Việt bài học hết sức quan trọng: Thị trường nào cũng có quy định riêng, để thành công, DN cần thấu hiểu và thực hiện chính xác các quy định đó.
"Cho đến nay, toàn bộ lượng thịt XK của Việt Nam trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7 đã được bày bán ở các siêu thị tại TP. Yangon, Myanmar. Rất mừng là đã được tiêu thụ hết", ông Đào Mạnh Lương - Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, DN Việt đầu tiên XK được thịt lợn tươi ra nước ngoài - tự hào chia sẻ. Bên cạnh đó, thịt lợn của Việt Nam đã được XK với giá khá cao, cao hơn khoảng 15% so với giá trung bình của thị trường quốc tế, và cao hơn cả giá thịt lợn mà Myanmar nhập từ thị trường Tây Ban Nha.
Đáp ứng chính xác yêu cầu của nước nhập khẩu
Để có được thành công trên, ngay từ đầu năm 2017, Tập đoàn Mavin đã phải liên kết với nhà nhập khẩu nổi tiếng thế giới là Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản). Cả hai bên đã mất tới 1 năm để làm việc với Myanmar trước khi đàm phán thành công.
Ngoài quy định bắt buộc là chứng minh được chất lượng thịt và làm tốt các khâu phòng, kiểm dịch thú y thì việc tuân thủ các quy định trong hồ sơ XK của nước sở tại là những rào cản lớn mà Mavin đã vượt qua để XK được.
“Thực tế, thịt lợn sản xuất tại Việt Nam đang vướng một số rào cản về mặt kỹ thuật bởi Việt Nam vẫn là quốc gia chưa được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận về vùng an toàn dịch bệnh. Do đó, việc XK thịt lợn của Việt Nam là gần như không thể” - ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực thực phẩm Tập đoàn Mavin cho biết.
Để tiếp cận được các thị trường tiềm năng, Mavin đã cử nhân viên xuất nhập khẩu tiền trạm thường xuyên tại các triển lãm, các chợ đầu mối về nông nghiệp, thực phẩm ở khắp khu vực châu Á, châu Âu, châu Mỹ... Qua khảo sát thực tế, DN sẽ đánh giá nhu cầu thị trường về thịt nói chung, và cơ hội XK vào từng thị trường tiềm năng nói riêng.
Ông Đào Mạnh Lương nhấn mạnh: "Nhiều người nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam chưa ký các hiệp định về thú y với các nước thì chúng ta chưa XK được. Tuy nhiên, bằng sự năng động, tìm hiểu sâu sát quy định của nước sở tại, chúng ta sẽ tìm ra cách để XK chính ngạch".
Nỗ lực đáng ghi nhận
Theo ông Tuấn, có ít nhất 4 bước để đưa thịt lợn Việt Nam ra thị trường ngoại.
“Đầu tiên, chúng tôi phải mua rất nhiều loại thịt heo nhập khẩu về tìm hiểu xem, các nhà nhập khẩu thế giới họ pha lóc miếng thịt như thế nào. Chúng tôi cũng muốn hiểu nhu cầu của thế giới cần thịt được chế biến theo cách gì. Từ đó, tập huấn cho nhân viên cách pha lóc, cách cắt miếng thịt đạt chuẩn XK” - ông Tuấn chia sẻ.
Tiếp theo là tìm hiểu cách đóng gói, cách bảo quản. DN đã mất ít nhất là nửa năm tìm kiếm các giải pháp bảo quản thịt với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Bước thứ 3 là tổ chức sản xuất. Để bảo đảm yêu cầu kiểm dịch của mặt hàng thịt XK, việc đầu tiên là lợn phải được nuôi trong vùng an toàn kiểm dịch. Lúc này, vai trò của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cục Thú y, là hết sức quan trọng, ông Tuấn nhấn mạnh về quá trình hợp tác giữa DN với các cơ quan chức năng để chọn được địa điểm mở trại an toàn.
Bước thứ 4 là truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Ông Tuấn cho biết: “Các nhà nhập khẩu thịt rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc. Nếu chúng tôi không chứng minh được phần truy xuất nguồn gốc thì mọi cố gắng trên đều thành vô nghĩa”. Giải pháp mà DN này lựa chọn là tự xây dựng phần mềm quản lý giống, quản lý quá trình chăn nuôi. Bên cạnh đó, hoàn thiện hồ sơ chi tiết để bảo đảm trong bất kỳ thời điểm nào mà nhà nhập khẩu, hay thậm chí là người tiêu dùng yêu cầu, DN sản xuất đều truy xuất được miếng thịt thành phẩm được chế biến từ con heo nào, nuôi ở trại nào, ăn loại thức ăn gì, tiêm những loại thuốc gì, cũng như nơi giết mổ.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến tháng 11/2018, Bộ sẽ ký thỏa thuận với OIE. Trên cơ sở đó, OIE sẽ đưa các chuyên gia quốc tế sang Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực của ngành thú y, nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm dịch cũng như chất lượng sản phẩm của các nước nhập khẩu.