Nhìn lại những đại án xôn xao nhất năm 2015

(BĐT) - Năm 2015 tiếp tục là năm nhiều sóng gió với những vụ án kinh tế, đại án tham nhũng lớn khiến không ít đại gia, quan chức vướng vòng lao lý. Nhưng liệu “lợi ích nhóm” đã được chỉ mặt đặt tên tận gốc rễ hay chưa?
 
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án Agribank Chi nhánh 6. Ảnh: Ngọc Lê
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử vụ án Agribank Chi nhánh 6. Ảnh: Ngọc Lê

Thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và “bão dư luận”

Đầu tiên là vụ án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 4.000 tỷ đồng của Vietinbank, dù xảy ra vài năm trước nhưng vẫn còn dư âm khi đầu năm 2015 phiên xét xử phúc thẩm khép lại với mức án chung thân dành cho siêu lừa này. Ngoài ra, toà phúc thẩm còn kiến nghị khởi tố vụ án, điều tra sai phạm đối với một số cựu lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP.HCM. Nhưng đến nay, kết quả của kiến nghị xử lý này vẫn chưa rõ.

Tiếp đến là vụ án cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay tại OceanBank, xôn xao từ tháng 10/2014 khi Cơ quan điều tra (CQĐT) Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank, sau đó lần lượt một loạt quan chức lãnh đạo của ngân hàng này cũng xộ khám vào đầu năm 2015.

Nhưng đỉnh điểm của vụ án này là vào tháng 7/2015, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vì liên quan đến sai phạm tại OceanBank, khiến PVN mất trắng 800 tỷ đồng. Đây là trường hợp quan chức Nhà nước lớn nhất trong năm nay phải vướng vào tố tụng.

Còn gần nhất là vụ sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) được CQĐT Bộ Công an kết luận điều tra vào cuối tháng 11/2015, đã xác định VNCB bị thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng, kẻ chủ mưu chính là ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch VNCB). Hoặc là vụ Công ty CP Địa ốc An Khang lừa đảo chiếm đoạt hơn 400 tỷ đồng vừa kết luận điều tra, có liên quan đến cựu lãnh đạo TP. Vũng Tàu.

Mặt khác, trong năm 2015 có 8 đại án được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng lần thứ XII. Trong đó, đa phần là các vụ án có mức tổn thất to lớn liên quan tới việc vay vốn ngân hàng. Riêng Agribank đã “dính” ít nhất đến 4 vụ đại án. Và có 1 đại án về hành vi hối lộ là vụ Trần Quốc Đông và một số cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhận 16 tỷ đồng từ nhà thầu Nhật Bản JTC.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, hầu hết các vụ án kinh tế, tham nhũng, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đã được CQĐT các cấp khẩn trương điều tra, kết luận, chuyển Viện kiểm sát đề nghị truy tố, đồng thời tiếp tục phát hiện, điều tra làm rõ các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được dư luận quan tâm.

Một điểm chung là các vụ án này đã gây ra “bão dư luận”, khi tính sơ tổng số tiền thiệt hại, làm thất thoát tài sản của Nhà nước và người dân đến hàng ngàn tỷ đồng. Nhất là lòng tham của những người thừa hành công vụ, sự buông lỏng quản lý cùng những kẽ hở trong hệ thống văn bản pháp luật.               

Lợi ích nhóm ẩn khuất ở đâu?

Nhìn vào phần lớn các đại án này, nhất là liên quan đến yếu tố ngân hàng, điều dư luận vẫn còn băn khoăn là vấn đề giữa tham nhũng, lợi ích nhóm với tội phạm ngân hàng đã được làm rõ đến tận cùng hay chưa?

Trong lần trao đổi với người viết, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia nghiên cứu kinh tế có nói rằng, tình hình tài chính, ngân hàng rất phức tạp. Sự phức tạp này sinh ra từ cơ chế quản lý lỏng lẻo. Nhưng đó là sự lỏng lẻo “có lựa chọn” đối với một số nhóm lợi ích. Đó là điều kiện để các nhóm này thao túng và thâu tóm quyền lực tài chính.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, về mặt lý thuyết thì giải pháp khá đơn giản, chỉ cần siết chặt luật pháp, kỷ cương. Nhưng trong thực hiện thì quá phức tạp vì có quá nhiều mối liên kết chồng chéo nhau do nhóm lợi ích tạo ra. Nếu ví tài chính như máu, Ngân hàng Nhà nước như trái tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi toàn bộ hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước thì việc giữ cho trái tim khỏe mạnh có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với sức khỏe của nền kinh tế và tội danh thao túng ngân hàng phải được coi là một trong những tội nguy hiểm nhất, phải trừng trị mạnh tay nhất.

Vì vậy, nhìn lại các vụ án kinh tế trong năm 2015, giới nghiên cứu kinh tế cho rằng, nếu muốn xử lý nhóm lợi ích trong ngân hàng tức là phải đụng đến người có chức quyền đứng đằng sau nó. Nhưng thực tế, khi một bộ phận nhóm lợi ích là người có chức quyền đến mức nắm được thông tin quan trọng và “lái” được chủ trương chính sách thì họ cũng có “sức mạnh” để ngăn cản hoặc vô hiệu hóa công tác giám sát, thanh tra, điều tra. Đây chính là thách thức lớn nhất hiện nay.

Chuyên đề