Nhiều tính năng mới trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

(BĐT) - Tính đến tháng 10/2018, đã hơn 7 tháng  kể từ khi Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT (TT04) quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Hệ thống) chính thức có hiệu lực. 
Quá trình thực hiện đấu thầu qua mạng ngày càng thuận lợi hơn
Quá trình thực hiện đấu thầu qua mạng ngày càng thuận lợi hơn

Hệ thống đã bổ sung nhiều tính năng mới về đấu thầu qua mạng (ĐTQM), trong đó nổi bật là việc số hóa các biểu mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ dự thầu (HSDT) các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp và mở rộng phạm vi áp dụng đối với phương thức ĐTQM một giai đoạn hai túi hồ sơ. Sau hơn 7 tháng triển khai, nhiều bên mời thầu đã thực hiện thành thục phương thức đấu thầu này. Các nhà thầu có thêm nhiều cơ hội tham gia các gói thầu với quy mô ngày càng lớn. 

Giá trị gói thầu áp dụng đấu thầu điện tử ngày càng cao

Theo khảo sát của Báo Đấu thầu, từ tháng 3/2018, nhiều bên mời thầu đã bắt đầu triển khai thực hiện ĐTQM các gói thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu từ 1/3/2018 đến 30/9/2018 cho thấy, có 313 gói thầu đã thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, trong đó có 8 gói thầu xây lắp, 27 gói thầu mua sắm hàng hóa và 278 gói thầu tư vấn.

Việc Hệ thống có thể thực hiện ĐTQM theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ cùng với việc số hóa hàng loạt biểu mẫu dự thầu đã thúc đẩy hoạt động ĐTQM được mở rộng với những gói thầu lớn, đặc biệt là những gói xây lắp đòi hỏi nhiều bản vẽ chi tiết, yêu cầu dung lượng hồ sơ lớn.

Đơn cử, vào tháng 8/2018, Chi nhánh Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP.HCM thông báo mời thầu Gói thầu số 39-2018 Cáp ngầm 24 kV 3x240 mm2 (màn chắn sợi đồng) thuộc Dự án Kế hoạch khai thác vật tư thiết bị năm 2018. Gói thầu này áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, lựa chọn nhà thầu qua mạng Gói thầu đã thu hút được 4 nhà thầu tham gia với đề xuất tài chính của nhà thầu trúng thầu chỉ 63,5 tỷ đồng (trong khi giá gói thầu là 67,9 tỷ đồng, tiết kiệm 4,4 tỷ đồng).

Gói thầu Thi công xây lắp công trình Nhà điều hành sản xuất Công ty Điện lực Tiền Giang - Giai đoạn 2 do Công ty Điện lực Tiền Giang làm bên mời thầu đã thu hút được 5 nhà thầu tham gia, giá gói thầu này là 37,1 tỷ đồng.

Cũng trong khoảng thời gian trên, Tổng công ty Điện lực miền Nam TNHH đã tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng cho hàng loạt gói thầu xây lắp với quy mô hàng chục tỷ đồng. Cụ thể, Gói thầu SPC-JICA-MV-08W-C-1 Xây lắp đường dây và trạm huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, thị xã Kiến Tường, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa tỉnh Long An có giá gói thầu là 16,8 tỷ đồng; Gói thầu SPC-JICA-MV-07W-C-1 Xây lắp đường dây và trạm huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Tân Trụ, tỉnh Long An có giá gói thầu là 21,8 tỷ đồng; Gói thầu SPC-JICA-MV-06W-C-1 Xây lắp đường dây và trạm huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Châu Thành và TP. Tân An, tỉnh Long An có giá gói thầu là 21,1 tỷ đồng. Đáng chú ý, tại 3 gói thầu này của Tổng công ty Điện lực miền Nam TNHH đều có số lượng nhà thầu tham gia là trên 9 nhà thầu/gói thầu, điều này thể hiện tính cạnh tranh cao trong đấu thầu. 

Nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Khi chính thức kết nối với hệ thống của ngân hàng, các nhà thầu sẽ không cần phải scan thư bảo lãnh của ngân hàng kèm trong HSDT, mà chỉ cần khai báo thông tin về số thư bảo lãnh trong webform.
Theo ông Phạm Kiến Quốc Dũng thuộc Ban Quản lý đấu thầu của Tổng công ty Điện lực miền Nam TNHH, một trong những ưu điểm trong thực hiện các gói thầu ĐTQM theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ là quá trình thực hiện nhanh và các hồ sơ đề xuất kỹ thuật, hồ sơ đề xuất tài chính được xác định rất rõ ràng.

Tuy nhiên, đối với các gói thầu ngành điện quy mô lớn phải dùng phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ lại có những đặc thù riêng. Ông Nguyễn Bá Nam thuộc Phòng Kế hoạch của Ban Quản lý dự án lưới điện phân phối TP.HCM - Chi nhánh Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết, có một số ít nhà thầu có khả năng cung cấp các thiết bị điện chuyên ngành, đặc biệt với gói thầu mua sắm hàng hóa quy mô lớn, do đó với những gói thầu quy mô lớn ngành điện thì chỉ có một số ít nhà thầu có thể tham gia được. Mấy gói mua sắm cáp có giá trị lớn chỉ có 4 - 5 nhà thầu tham gia vì nhà thầu nhỏ thấy năng lực không đủ nên không tham dự; còn các gói thầu cáp có giá trị nhỏ hơn thì có 7 - 8 nhà thầu tham gia là bình thường.

Tuy nhiên, khảo sát của Báo Đấu thầu cho thấy, việc thực hiện ĐTQM theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ chủ yếu mới chỉ tập trung ở các gói thầu tư vấn. Có rất ít gói thầu xây lắp lựa chọn nhà thầu qua mạng trong thời gian qua. Lý giải về nguyên nhân, ông Nguyễn Đức Dũng, cán bộ đấu thầu của một trong 8 đơn vị thành viên của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho hay, đối với những gói thầu quy mô lớn phải thực hiện theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ thì vướng mắc nhất là khối lượng bản vẽ của gói thầu lớn. Do đó việc đăng tải lên Hệ thống còn gặp nhiều khó khăn do Hệ thống đôi khi chưa đáp ứng được, nhiều khi bên mời thầu phải scan những bản vẽ ở dung lượng thấp nhất để giảm tải dung lượng hồ sơ nhưng vẫn không đủ.

Ông Phạm Kiến Quốc Dũng chia sẻ thêm về khó khăn khi thực hiện ĐTQM theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ là Hệ thống chưa có mẫu đánh giá hồ sơ, mẫu báo cáo đánh giá kết quả lựa chọn theo quy trình ngược, do đó bên mời thầu phải tự soạn nên tính chuyên nghiệp khi ĐTQM chưa cao.

Để giải quyết khó khăn về dung lượng file HSDT của các gói đấu thầu điện tử lĩnh vực xây lắp, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã nâng cấp, mở rộng dung lượng file đính kèm từ 20MB trước đây lên thành 300MB. Việc tăng dung lượng file đính kèm lên mức 300MB sẽ giúp bên mời thầu có thể thực hiện ĐTQM nhiều gói thầu xây lắp đòi hỏi nhiều bản vẽ, các gói thầu xây lắp quy mô lớn, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, đáp ứng lộ trình thực hiện ĐTQM theo quy định.

Trong tháng 10/2018, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ chính thức kết nối với hệ thống của các ngân hàng để bên mời thầu có thể truy xuất các thông tin liên quan đến bảo lãnh dự thầu của nhà thầu khi tham gia ĐTQM.

Khi chính thức kết nối với hệ thống của ngân hàng, các nhà thầu sẽ không cần phải scan thư bảo lãnh của ngân hàng kèm trong HSDT, mà chỉ cần khai báo thông tin về số thư bảo lãnh trong webform. Trước mắt, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia sẽ kết nối và thực hiện truy xuất về bảo lãnh dự thầu đối với các thư bảo lãnh từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); việc kết nối sẽ dần mở rộng với các ngân hàng khác.

Ngoài ra, Hệ thống cũng sẽ công khai thêm 4 nội dung liên quan đến hồ sơ năng lực của nhà thầu, đó là: hợp đồng đã thực hiện; báo cáo tài chính có xác nhận của cơ quan thuế; nhân sự chủ chốt; thiết bị thi công chủ yếu. Việc công khai này sẽ giúp giảm tải thời gian kê khai thông tin năng lực, kinh nghiệm của các nhà thầu khi chuẩn bị HSDT qua mạng, đồng thời các bên mời thầu có thể dễ dàng kiểm tra năng lực của nhà thầu.

Với việc cải tiến và nâng cấp Hệ thống như vậy, theo đánh giá, quá trình thực hiện ĐTQM nói chung, việc thực hiện các gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa, tư vấn theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ với những gói thầu có quy mô lớn áp dụng ĐTQM ngày càng thuận lợi hơn.  

Chuyên đề

Kết nối đầu tư