Nhiều lực cản với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

(BĐT) - Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong tháng 2/2017, cả nước thực hiện sắp xếp được 4 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó cổ phần hóa (CPH) 3 doanh nghiệp và giải thể 1 doanh nghiệp. Một số tập đoàn kinh tế lớn lại có đề xuất xin lùi thời gian CPH. 
Hoạt động sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đang chậm về tiến độ và thấp về chất lượng. Ảnh: Minh Thủy st
Hoạt động sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đang chậm về tiến độ và thấp về chất lượng. Ảnh: Minh Thủy st

Xung quanh câu chuyện CPH, Báo Đấu thầu đã có cuộc trao đổi với ông Tạ Đình Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia.

Sắp xếp, đổi mới DNNN, trong đó trọng tâm là CPH, đang chậm về tiến độ và thấp về chất lượng. Theo ông nguyên nhân chính là do đâu?

Tôi cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về khách quan, Chính phủ chủ trương CPH DNNN làm từ dễ đến khó. Theo đó những DN nào có khả năng CPH được ngay thì đã làm xong rồi. Những DN chưa CPH được là những DN lớn, có mức độ phức tạp cao, hoạt động ở nhiều lĩnh vực kinh tế, sức hấp dẫn thấp nên khó khăn trong việc đánh giá giá trị DN.

Tuy nhiên, tôi cho rằng lý do lớn nhất ảnh hưởng đến cả số lượng và chất lượng CPH DNNN hiện nay chính là lý do chủ quan. Thứ nhất, đó là do lực cản ngay trong bộ máy quản lý DN không muốn thực hiện CPH. Thứ hai là bản thân người lao động trong DNNN cũng chưa biết tương lai như thế nào sau khi CPH nên họ không mạnh dạn thay đổi, không quyết tâm CPH. Thứ ba là lợi ích nhóm chi phối CPH. Người quản lý DN lo ngại khi CPH họ có thể mất đi vị trí, quyền lợi hiện hữu. Bên cạnh đó, một số DN cũng lấy lý do khó xác định giá trị DN để kéo dài thời gian CPH.

Nhiều lực cản với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ảnh 1
Ông Tạ Đình Xuyên
Có ý kiến cho rằng, CPH DNNN thời gian qua chưa đạt kết quả như mong đợi, thậm chí là thất bại. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi chưa đánh giá chúng ta thất bại, bởi đã có một số DN đã được CPH thời gian qua làm ăn rất tốt như: Vinamilk, Bóng đèn Rạng Đông, Nhựa Tiền Phong… Có lẽ thất bại là ở góc độ thoái vốn nhà nước không thu hồi về được theo đúng tiến độ, đúng giá trị. Chẳng hạn như giá trị DN là 10 đồng nhưng chỉ định giá là 7 - 8 đồng, khi bán DN đi sẽ bị thất thoát tài sản của Nhà nước.

Tôi cho rằng công tác định giá DN đang có vấn đề. Có một xu hướng trong CPH là thường đánh thấp giá trị DN xuống nhằm mang lại lợi ích cho những người sau này sẽ là chủ sở hữu. Định giá DN thấp khiến giá trị cổ phiếu thấp, giá trị đất đai ở những địa điểm vàng rẻ mạt..., trong khi thực tế cho thấy, chỉ một thời gian ngắn sau khi CPH, giá cổ phiếu lại lên do các tài sản được đánh giá đúng giá trị thực.  

Đối với những DN vướng dự án thua lỗ nghìn tỷ thì tiến độ CPH sẽ thế nào, thưa ông?

Tiến độ nhanh hay chậm phụ thuộc rất lớn vào khâu định giá tài sản, nếu định giá xong rồi triển khai rất dễ, nhưng hiện nay các DN lại đang vướng nhất ở khâu này. Chẳng hạn một doanh nghiệp đang có dự án kém hiệu quả, thua lỗ như Dự án Đầu tư mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang “đắp chiếu”, hoặc như Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy Đóng tàu Dung Quất… rất khó mà có thể CPH được. Nguyên nhân là bởi, những dự án này đang ở giai đoạn đầu tư, nợ nần, hiệu quả chưa rõ nên không biết xác định giá trị thế nào để mà CPH. Nếu những nhà máy này đã xây dựng xong rồi, có số sách quyết toán thì câu chuyện lại khác.

Nếu sổ sách minh bạch, rõ ràng, sẽ có người bỏ tiền để mua những dự án như thế này. Họ muốn mua con gà biết đẻ trứng chứ con gà không đẻ trứng thì chẳng ai mua cả. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa yêu cầu các DNNN thực hiện nghiêm quy định về công bố thông tin và xử lý những DN vi phạm. Đây có thể xem là một bước góp phần nâng cao hiệu quả công tác CPH?

Việc DNNN phải công khai thông tin là rất cần thiết. Đây là một trong những kênh quan trọng để cơ quan quản lý, người dân có thể tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của DNNN. Thế nhưng, hiện vẫn còn rất nhiều DNNN không muốn công khai thông tin.

Tôi cho rằng, những trường hợp vi phạm phải bị xử lý thật nghiêm, truy trách nhiệm tới cùng và cách chức người đứng đầu cơ quan vi phạm.

Chuyên đề