Nhiêu khê trong cấp giấy phép xây dựng

(BĐT) - Trong khi hầu hết các chỉ số khác liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đều cải thiện về thời gian hoặc thứ bậc thì duy nhất thời gian cấp giấy phép xây dựng trên thực tế lại kéo dài thêm tới 52 ngày.
Thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã tăng từ 30 ngày trong năm 2015 lên 82 ngày trong năm 2016. Ảnh: Nhã Chi
Thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã tăng từ 30 ngày trong năm 2015 lên 82 ngày trong năm 2016. Ảnh: Nhã Chi

Phải qua 10 bước thủ tục để có giấy phép

Báo cáo kết quả tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 năm 2014 và 2015 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tổ chức sáng hôm qua (18/5), tại Hà Nội, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: “Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Các chỉ số liên quan đến khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, nộp thuế và bảo hiểm… đều có chuyển biến theo xu hướng giảm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN)”. Mặc dù vậy, bà Thảo cho rằng: “Hầu hết các chỉ số có cải thiện, song mức độ thuận lợi trong môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với Thái Lan, Malaysia và Singapore”. Quan ngại hơn, bà Thảo thông tin: “Duy nhất chỉ số về cấp phép xây dựng lại có xu hướng đi xuống. Thời gian thực tế để cấp giấy phép xây dựng kéo dài tới 52 ngày”.

Thông tin thêm về vấn đề này, bà Thảo cho hay, hiện tổng thời gian để DN thực hiện các thủ tục về cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan là 166 ngày, kéo dài 52 ngày so với năm 2015. Nguyên nhân của sự “trì trệ” này xảy ra đối với khâu cấp giấy phép xây dựng đã tăng từ 30 ngày trong năm 2015 lên 82 ngày trong năm 2016. Với tổng số thời gian này, DN sẽ phải trải qua 10 bước thủ tục, trong đó có 1 thủ tục liên quan đến công an phòng cháy chữa cháy, 5 thủ tục liên quan đến cơ quan cấp giấy phép xây dựng, 3 thủ tục liên quan đến công ty cấp thoát nước và 1 thủ tục liên quan đến cơ quan tài nguyên môi trường.

Phiền lòng với sự “trì trệ” này, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM thông tin: “Đúng là thủ tục cấp giấy phép xây dựng làm cho DN bức xúc. Khi DN muốn thực hiện thủ tục xây dựng nhà xưởng hay cơ sở sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại. Chính vì lý do này dẫn đến người dân, DN phải tốn kém những khoản chi phí không chính thức để được cấp phép”.

Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP đặt mục tiêu đến hết năm 2016, chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4 và đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 3 vào năm 2020. Trong đó, thời gian cấp giấy phép xây dựng sẽ là 77 ngày vào cuối năm 2016 và còn 70 ngày vào năm 2020.

Không để xảy ra nhũng nhiễu, hối lộ

Con đường DN đi phải hoàn toàn phẳng chứ không phải toàn chông gai, cạm bẫy"Ông Lê Mạnh Hà
Đánh giá cao những mục tiêu mà Nghị quyết số 19/2016/NĐ-CP đưa ra, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, Nghị quyết này sẽ tiếp tục hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Hiện Chính phủ đang dồn nỗ lực để hỗ trợ và phát triển DN. Do đó, những khó khăn cản trở đối với DN sẽ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt lưu tâm giải quyết”, ông Hà khẳng định.

Đề cập tới vấn đề thời gian cấp giấy phép xây dựng bị kéo dài như nêu trên, ông Hà nêu quan điểm: “Giảm thời gian để giải quyết một thủ tục hành chính là rất quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là không để xảy ra vấn nạn nhũng nhiễu, hối lộ. Nếu thời gian để DN thực hiện thủ tục hành chính mà dài nhưng DN không phải hối lộ, gặp rắc rối thì còn tốt hơn”.

“Con đường DN đi phải hoàn toàn phẳng chứ không phải toàn chông gai, cạm bẫy” – ông Hà nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Cải thiện chỉ số về thủ tục hải quan có đến 14 bộ, ngành, trong đó Bộ Tài chính đảm nhiệm khoảng 28% khối lượng công việc. Do đó, để thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết 19 đặt ra rất cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan”.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đồng tình và nêu quan điểm, việc thực hiện Nghị quyết 19 thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó có sự nỗ lực lớn của nhiều bộ, ngành và đơn vị liên quan. Mặc dù vậy, nhìn chung còn không ít bộ, ngành chưa tích cực. “Do đó, thời gian tới chúng ta phải ráo riết thúc các đơn vị tích cực triển khai Nghị quyết theo hướng cần theo đến cùng vấn đề và truy cho cùng trách nhiệm” – ông Cung nhấn mạnh.

Chuyên đề