Ảnh Internet |
Lừng khừng chuyển giao
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì danh mục doanh nghiệp (DN) thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn từ 2017 - 2020 là 62 DN. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2017 có 24 DN đã chuyển giao về SCIC với số vốn là 821,14 tỷ đồng, còn lại 38 DN chưa chuyển giao với số vốn nhà nước là 10.460 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SCIC tiếp nhận được 3 DN.
Về nguyên nhân của sự chậm trễ này, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN thuộc Bộ Tài chính, là do một số nguyên nhân bắt nguồn từ nhận thức của bộ phận, một nhóm người không muốn chuyển giao. Đầu tiên là, lãnh đạo DN không muốn chuyển giao vì “sợ” áp dụng cơ chế quản trị mới khi về SCIC. Ở đó, họ không còn tính độc lập, tự chủ, thay vào đó SCIC sẽ quản lý. Hai là, cơ quan đại diện chủ sở hữu DN không muốn chuyển giao, vì họ không muốn mất quyền lợi, mất chân rết. Ông Tiến cho biết, một trường hợp điển hình là Tổng công ty Thép Việt Nam. “DN này cổ phần hóa từ năm 2009, nhưng hiện chưa quyết toán cổ phần hóa, khi đề cập chuyển về SCIC thì lừng khừng xin ở lại để thoái vốn... Hay như trường hợp Tập đoàn Dệt may Việt Nam, mọi thủ tục đã xong nhưng Bộ Công Thương chưa ký, nên chưa bàn giao được”, ông Tiến dẫn chứng.
Bên cạnh các nguyên nhân nêu trên, ông Tiến cho rằng, bản thân SCIC cũng chưa làm tốt được vai trò của cơ quan điện chủ sở hữu. Thêm nữa, hiện có một bộ phận DN chưa chuyển giao vì muốn đợi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đi vào hoạt động thì chuyển giao. “Lý do chậm chuyển giao mà chờ Ủy ban vào hoạt động mới về rất vô lý. Lộ trình chuyển giao về Ủy ban đã được vạch sẵn, đầu tiên là 19 “ông lớn”, còn việc DN phải chuyển giao về SCIC là đã được chỉ ra từ lâu”, ông Tiến nói.
Nguồn lực sẽ không được sử dụng hiệu quả
Về thực trạng việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN từ các bộ, UBND cấp tỉnh về SCIC, ông Tiến cảnh báo, sự chậm trễ này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế. Cụ thể, khi chậm chuyển DN về SCIC thì nguồn vốn sẽ không được quản lý tốt, thậm chí bị buông lỏng, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước không cao. Khi bàn giao DN về SCIC, đơn vị này sẽ sắp xếp lại quy trình hoạt động của DN, mọi hoạt động đầu tư kinh doanh của DN có người giám sát và chịu trách nhiệm.
Hệ lụy thứ hai là các nguồn lực cần thoái sẽ không thoái được theo đúng tiến độ, dẫn đến hiệu quả, nguồn lực tập trung về cho Nhà nước không đảm bảo theo kế hoạch giao. Cùng với đó, giá trị gia tăng của các khoản vốn phải thoái sẽ khó đạt được hiệu quả cao như ở SCIC, bởi về SCIC họ sẽ có giải pháp nâng cao giá trị nguồn vốn này rồi mới thoái. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc chậm chuyển giao sẽ khiến việc tập trung nguồn lực về cho Nhà nước sẽ chậm, nguồn lực phân tán và không hiệu quả.
Đồng tình với đánh giá này, Uỷ viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phùng Văn Hùng bổ sung: “Việc chậm trễ chuyển giao sẽ làm cho công tác chỉ đạo của Chính phủ, quyết định của Đảng và Nhà nước bị ảnh hưởng”. Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tiếp nhận vốn nhà nước tại DN từ các bộ, địa phương, ông Hùng khuyến nghị, Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong việc đẩy mạnh chuyển giao DN về SCIC. Cùng với đó, xác định trách nhiệm của người đứng đầu của bộ, ngành để công tác chuyển giao hiệu quả hơn. “Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đơn vị nào không thực hiện đúng thời gian quy định, tức là vi phạm chủ trương, đi ngược lại chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, cần bị xử lý nghiêm”, ông Hùng nói.
Chỉ đạo về nội dung này, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cũng kiến nghị các đơn vị liên quan chỉ đạo người đại diện đôn đốc các DN đã cổ phần hóa thực hiện bàn giao phần vốn nhà nước về SCIC, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.