Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 dự kiến được trình Chính phủ vào tháng 12. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 120, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao 4 nhiệm vụ, gồm: rà soát, đánh giá cơ chế thí điểm điều phối vùng trình Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có việc thành lập Hội đồng điều phối Vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp, liên kết chuỗi chặt chẽ nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, thủy sản của Vùng; xây dựng một danh mục dự án đầu tư quan trọng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; xây dựng cơ chế huy động nguồn lực, khuyến khích sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, người dân vào phát triển hạ tầng…
Nhiệm vụ thứ nhất đã hoàn thành. Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập Hội đồng vùng và cơ chế điều phối vùng. Nhiệm vụ thứ hai liên quan đến danh mục dự án dự kiến đầu tư các công trình quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã được đánh giá và lựa chọn xong.
Về nhiệm vụ thứ ba, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các bên tư vấn đang làm việc và dự kiến sẽ chính thức trình Chính phủ vào tháng 12 tới đây. Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ xem xét và báo cáo để cấp có thẩm quyền thông qua vào đầu năm 2021. Đây là nội dung rất quan trọng với Đồng bằng sông Cửu Long, đã được lấy ý kiến 2 lần, dự kiến lấy ý kiến lần 3 vào cuối tháng 11. Đây cũng là cơ sở cho phát triển nhanh, bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Về nhiệm vụ tìm nguồn lực thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện có 4 nguồn lực. Nguồn lực thứ nhất là Bộ Giao thông vận tải sẽ tính toán hoàn thành những tuyến đường quốc lộ, đặc biệt là đường cao tốc từ Cà Mau đến Bạc Liêu và Bạc Liêu đến Cần Thơ, dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2025.
Nguồn lực thứ hai là từ địa phương. Đây là nguồn lực mà địa phương được Trung ương phân bổ, cộng với ngân sách sẵn có để thực hiện các dự án hạ tầng.
Về nguồn lực thứ ba từ Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tăng thêm cho Đồng bằng sông Cửu Long 2 tỷ USD trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, có nguồn từ Trung ương hỗ trợ các dự án trọng điểm có tính chất liên vùng. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ khoảng 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này.
Ngoài ra, Trung ương sẽ hỗ trợ các dự án có tính chất liên vùng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất với các địa phương, cần thông qua Hội đồng vùng trước khi trình Chính phủ xem xét. Mỗi địa phương sẽ được hỗ trợ một dự án động lực quan trọng nhất của tỉnh, có tính liên vùng, để phát triển trong thời gian tới.
Thêm vào đó, một nguồn lực cần phải huy động là từ hợp tác đối tác công tư, tức là huy động vốn từ xã hội. “Như vậy, chúng ta đã tập trung nhiều nguồn lực để có thể thực hiện được hạ tầng cho Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.