Nhiều dư địa phát triển lĩnh vực công nghiệp tại Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi xác định mục tiêu phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Công nghiệp lọc hoá dầu, nền tảng vững chắc cho Quảng Ngãi định hướng và được Trung ương chấp thuận cho phép xây dựng trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Dung Quất
Công nghiệp lọc hoá dầu, nền tảng vững chắc cho Quảng Ngãi định hướng và được Trung ương chấp thuận cho phép xây dựng trung tâm lọc hoá dầu và năng lượng quốc gia tại Dung Quất

Trong những năm qua, Quảng Ngãi tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp, đầu tư hạ tầng Khu kinh tế (KKT) Dung Quất và các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn. Tỉnh hiện có KKT Dung Quất, các KCN VSIP, Quảng Phú, Tịnh Phong, Phổ Phong và 20 cụm công nghiệp. Tại KKT Dung Quất và các KCN, đến thời điểm hiện tại đã thu hút được 807 dự án với tổng vốn đầu tư 472.128 tỷ đồng, trong đó, có 734 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 419.497 tỷ đồng và 73 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn đăng ký 2,321 tỷ USD (tương đương 52.631 tỷ đồng). Trong số các dự án này, nhiều dự án quy mô lớn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Thép Hòa Phát - Dung Quất; Doosan Vina… đã đưa lĩnh vực công nghiệp của Quảng Ngãi tăng trưởng bình quân 16,8%/năm, tỷ trọng các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ chiếm gần 80% GRDP của Tỉnh.

Một dư địa phát triển mới, rộng lớn đang mở ra cho Quảng Ngãi trong bối cảnh Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, quy hoạch ngành và Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi, với lợi thế bờ biển dài 130 km kết hợp hạ tầng giao thông đa phương thức cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và hàng không, Tỉnh sẽ mời gọi, thu hút các nhà đầu tư khai thác tiềm năng phát triển kinh tế biển, trọng tâm là phát triển công nghiệp nặng với 2 ngành chủ lực là lọc hóa dầu và luyện cán thép; phát triển năng lượng và các ngành thương mại, dịch vụ logistics, du lịch biển.

Trước mắt, Quảng Ngãi thu hút đầu tư, phát triển cảng biển nước sâu Dung Quất là cảng tổng hợp quốc gia có các bến chuyên dùng đầu mối quy mô lớn gắn với KKT Dung Quất, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 250.000 tấn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiến độ đầu tư, mở rộng tổ hợp lọc hóa dầu mà hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện đang được đầu tư mở rộng công suất lên 7,6 triệu tấn dầu thô/năm và Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, công suất 6 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, Tỉnh đang triển khai xây dựng Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng chất lượng cao/năm, tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2024 - 2025, Quảng Ngãi sẽ kêu gọi đầu tư 34 dự án thuộc các lĩnh vực công nghiệp; dịch vụ, du lịch; môi trường; hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại; hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp... Đồng thời, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực kho bãi, cảng; đẩy nhanh tiến độ thành lập trung tâm logistics. Theo quy hoạch, hệ thống hạ tầng giao thông đã quy hoạch khu vực dự kiến kêu gọi đầu tư này có diện tích lên đến 270 ha trên địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn. Khu đất quy hoạch nằm giáp với Cảng hàng không Chu Lai và cạnh Cảng biển nước sâu Dung Quất cùng với hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt thuận lợi khi giáp Quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường sắt Bắc - Nam; quy hoạch khu đất rộng 75 ha trên địa bàn KKT Dung Quất để kêu gọi đầu tư Khu đô thị hậu cần cảng - logistics Bắc Dung Quất.

“Ngoài 34 dự án ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2024 - 2025, Quảng Ngãi luôn sẵn sàng chào đón và mời gọi doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư vào các dự án lớn có tính lan tỏa, kết nối, giá trị tăng cao, phù hợp với Quy hoạch Tỉnh và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Nguyễn Hoàng Giang - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tháng 10/2024.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, để khai thác tốt tiềm năng công nghiệp, Quảng Ngãi cần tạo ra quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; chú trọng đầu tư phát triển hệ thống logistics theo hướng đồng bộ, hiện đại, thuận tiện nhằm phát triển Tỉnh thành trung tâm logistics trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối khu vực miền Trung, Tây Nguyên, các nước Đông Nam Á, cũng như là một cửa ngõ vận tải hàng hóa qua Biển Đông; chủ động thúc đẩy mối liên kết giữa KKT Dung Quất với KKT mở Chu Lai (Quảng Nam) để hình thành trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Trung Bộ và cả nước.

Chuyên đề