Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy chưa công bố báo cáo tài chính 2016 và bán niên 2017. Ảnh: Nhã Chi |
Đây là thực tế cho thấy nhiều DNNN dường như đang coi nhẹ việc thực hiện công bố thông tin, và nếu có công bố cũng chỉ mang tính chất đối phó.
Nghị định số 81/2015/NĐ-CP quy định, các doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu, các công ty con do DNNN sở hữu 100% vốn điều lệ định kỳ phải thực hiện công bố thông tin nhằm bảo đảm công bằng và gia tăng sự giám sát hiệu quả hoạt động. Các loại thông tin phải thực hiện công bố bao gồm: Báo cáo tài chính, báo cáo lương, thưởng, báo cáo sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh… Trong đó, báo cáo tài chính là một trong những báo cáo quan trọng nhất được yêu cầu bắt buộc phải công bố, vì đây là tài liệu cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và luồng tiền của các DNNN. Vậy nhưng tính đến hết năm 2017, theo Bộ KH&ĐT, có tới 357 doanh nghiệp trong tổng số 622 DNNN chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định, và trong tổng số 265 doanh nghiệp đã công bố thông tin, vẫn có 119 doanh nghiệp “quên” công bố báo cáo tài chính.
Trong số đó có những DNNN quy mô lớn và hoạt động trong lĩnh vực trọng điểm nhưng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính bán niên 2017 mặc dù đã hết tháng 2/2018. Theo quy định của Nghị định 81, báo cáo tài chính bán niên phải được công bố không muộn hơn ngày 15/8 của năm báo cáo và không muộn hơn ngày 31/5 của năm liền sau năm báo cáo đối với báo cáo tài chính năm. Như vậy, cũng chỉ còn hơn 2 tháng nữa DNNN sẽ hết hạn công bố báo cáo tài chính năm 2017.
Việc công bố thông tin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Chính phủ đang đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN. Nguyên nhân chính dẫn đến nhiều thương vụ IPO, bán vốn nhà nước bị “ế” trong thời gian qua là do tình hình tài chính và hiệu quả kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp thoái vốn. Vì vậy, việc phát hiện các DNNN hoạt động yếu kém sẽ giúp cơ quan quản lý sớm có biện pháp khắc phục, qua đó đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN và giúp Nhà nước thu được nhiều lợi ích kinh tế hơn.
Nhiều “ông lớn” DNNN chậm công bố thông tin hoặc công bố không đầy đủ theo khảo sát của Báo Đấu thầu có thể kể đến:
Tổng công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân (Vaxuco, thuộc Bộ Quốc phòng) chưa công bố 9 loại báo cáo theo quy định cho năm 2015 và 2016, ngoài ra còn thiếu báo cáo tài chính bán niên 2017;
Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco, thuộc UBND TP. Hà Nội) mới chỉ công bố 3/9 loại báo cáo năm 2016 theo quy định của Nghị định số 81, và còn thiếu báo cáo tài chính bán niên 2017;
Tổng công ty Vật tư nông nghiệp (Vigecam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC, thuộc Bộ Giao thông vận tải), Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hanoi, thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) chưa công bố báo cáo tài chính 2016 và bán niên 2017;
Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD, thuộc Bộ Xây dựng), Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist, thuộc UBND TP. Hà Nội) chưa có báo cáo tài chính bán niên 2017...