Nhiều dấu hỏi từ việc dừng đấu giá Bawaco

(BĐT) - “Dừng tổ chức đấu giá, đề nghị các nhà đầu tư tham gia đấu giá liên hệ các đại lý đấu giá nhận lại tiền cọc” là thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho nhà đầu tư đã đăng ký tham gia đấu giá cổ phần của Công ty CP Cấp nước Bạc Liêu (Bawaco). 
5 nhà đầu tư đăng ký mua 13.361.700 cổ phần Bawaco, vượt hơn 23% so với lượng cổ phần được UBND tỉnh Bạc Liêu đem ra đấu giá. Ảnh: Thạch Bình
5 nhà đầu tư đăng ký mua 13.361.700 cổ phần Bawaco, vượt hơn 23% so với lượng cổ phần được UBND tỉnh Bạc Liêu đem ra đấu giá. Ảnh: Thạch Bình

Thông báo là vậy, nhưng có lẽ nhà đầu tư cần nhiều sự giải thích hơn cho quyết định dừng đấu giá. Bởi lẽ nếu thiếu sự minh bạch, vụ việc có thể gây ra tiền lệ xấu cho các cuộc thoái vốn nhà nước khác.

Kịch bản không như dự tính

Ngày 31/8/2018, ông Lê Minh Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký Quyết định số 1618/QĐ-UBND phê duyệt phương án thoái vốn nhà nước năm 2018 tại Bawaco. Theo đó, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ thoái toàn bộ 11.017.600 cổ phần đang nắm giữ tại Bawaco (tương đương 98,65% vốn điều lệ) theo phương thức đấu giá công khai. Mức giá khởi điểm là 13.150 đồng/cổ phần. Thông tin sau đó được công khai trên website của HOSE vào ngày 23/11/2018.

Với lợi thế là một doanh nghiệp trực thuộc UBND Tỉnh, Bawaco đang cung cấp nước sạch cho 85% tổng số hộ dân nội ô TP. Bạc Liệu, tương đương 26.000 hộ. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của UBND Tỉnh và các cơ quan ban ngành, Bawaco đang mở rộng địa bàn cấp nước với mục đích đảm bảo cung cấp nước sạch cho địa phương.

Nói như thế đủ để thấy phiên đấu giá tới đây hứa hẹn sẽ có độ “nóng” cạnh tranh nhất định giữa các nhà đầu tư.

Ngày 6/12, HOSE công bố danh tính của 2 nhà đầu tư đều đăng ký mua hơn 51% vốn của Bawaco, tỷ lệ đem lại cho nhà đầu tư quyền kiểm soát tại doanh nghiệp. Cụ thể, đó là Công ty CP Quản lý quỹ PVI (PVI AM) đăng ký mua 5,7 triệu cổ phần (51,035% vốn điều lệ) và Công ty TNHH Kỹ thuật Mặt Trời Đỏ đăng ký mua 6,05 triệu cổ phần (54% vốn điều lệ). Trong khi PVI AM là một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ và tổng tài sản tại thời điểm 30/9/2018 lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 77.618 tỷ đồng, thì Mặt Trời Đỏ là một doanh nghiệp nhỏ có vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Hiện tại, Mặt Trời Đỏ có tổng tài sản hơn 105,2 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả là hơn 89,7 tỷ đồng, chiếm đến 85,3% nguồn vốn.

Tính cạnh tranh của phiên đấu giá hứa hẹn cao hơn khi HOSE công bố thêm 3 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua vào 1.602.000 cổ phần Bawaco (tương đương 14,3% vốn điều lệ) vào ngày 11/12. Như vậy, 5 nhà đầu tư đã đăng ký mua vào 13.361.700 cổ phần của Bawaco, vượt hơn 23% so với lượng cổ phần được UBND tỉnh Bạc Liêu đem ra đấu giá. Như vậy, UBND tỉnh Bạc Liêu nhiều khả năng sẽ bán thành công toàn bộ số cổ phần Bawaco chỉ trong một phiên đấu giá.

Tuy nhiên, phiên đấu giá đã không được diễn ra theo đúng kế hoạch vào ngày 17/12/2018. 

Cần công khai, minh bạch

Lý do dừng đấu giá được đưa ra trong Công văn hỏa tốc số 5441/UBND-TH do Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung ký duyệt ngày 13/10: “Việc thoái vốn nhà nước tại Công ty CP Cấp nước Bạc Liêu, đề nghị người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện: Bán theo lô, theo đó tổng số vốn tại Công ty chỉ xác định một lô. Nếu bán không kịp thì tạm hoãn ngay, nhằm đảm bảo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực UBND Tỉnh, đó là bán một lần cho toàn bộ số vốn”.

Lưu ý, ngày 13/10 cũng là hạn cuối cùng các nhà đầu tư phải nộp đầy đủ thông tin về khối lượng và mức giá đấu cho các đại lý đấu giá. Các thông tin này sau đó được niêm phong.

Theo một chuyên gia kỳ cựu trong ngành chứng khoán, cần phải làm rõ tính pháp lý của việc dừng đấu giá cổ phần Bawaco để đảm bảo tính công khai, minh bạch và tránh gây tiền lệ xấu cho các đợt thoái vốn tiếp theo. Bởi lẽ, thông báo ở đây là dừng đấu giá chứ không phải là hủy đấu giá, thì việc yêu cầu nhà đầu tư nhận lại tiền đặt cọc có hợp lý không? Hơn nữa, nhà đầu tư đã phải chuẩn bị một khoản ngân sách gồm số lượng tiền mặt thực tế đặt cọc và nguồn vốn chuẩn bị sẵn để nộp nếu trúng giá, thì chi phí cơ hội của khoản vốn này khi họ không được tham gia đấu giá sẽ tính như thế nào?

Một điểm đáng bàn khác là lý do đưa ra “nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thường trực UBND Tỉnh, đó là bán một lần cho toàn bộ số vốn” là chưa rõ ràng. Có thể hiểu, bán một lần ở đây là đưa toàn bộ số cổ phần này bán thành công trong 1 lần đấu giá. Còn bán theo lô là có thể chia số lượng cổ phần ra nhiều lô nhỏ hoặc một lô để bán.

Báo Đấu thầu đã liên hệ với Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nhưng ông này cho biết đang bận họp và đề nghị liên hệ với người đại diện phần vốn của UBND tỉnh Bạc Liêu tại Bawaco. Trao đổi tiếp với người đại diện là ông Trần Văn Sỹ, Báo Đấu thầu chỉ nhận được câu trả lời: “Tôi không còn ở đó nữa, anh liên hệ với chỗ khác”.

Mong muốn của nhà đầu tư là được biết rõ nguyên nhân của việc dừng đấu giá, cơ sở pháp lý của quyết định dừng nêu trên và cần được thông báo công khai. Nếu chúng ta không làm được việc này sẽ ảnh hưởng đến chủ trương của Chính phủ là công khai, minh bạch trong đấu giá, thoái vốn nhà nước.

Chuyên đề