Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của thị trường bất động sản là do chính sách siết chặt cho vay, giảm tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên |
Công ty CP Đạt Phương công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với doanh thu thuần đạt 263,4 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp trong kỳ của Đạt Phương chỉ đạt 35,2 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 80 tỷ đồng ghi nhận cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, Đạt Phương phải gánh khoản chi phí tài chính (chủ yếu chi phí lãi vay) khá “nặng” với 53,4 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước.
Kết quả, Đạt Phương báo lỗ 29,3 tỷ đồng trong quý III. Đây là lần đầu tiên Đạt Phương báo lỗ kể từ thời điểm lên sàn. Tính đến cuối tháng 9/2019, nợ phải trả của Đạt Phương lên tới 4.087 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ phải trả chiếm 80% tổng nguồn vốn Công ty, trong đó nợ vay chiếm 2.513 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng mạnh từ 247 tỷ đồng lên 793 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Nam Long ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa trong quý III/2019. Cụ thể, doanh thu của Nam Long đạt 392 tỷ đồng, giảm tới 70% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế giảm tới 64%, chỉ đạt 162 tỷ đồng.
Cùng với việc lợi nhuận sụt giảm mạnh, Nam Long có số nợ phải trả lớn và có xu hướng tăng so với mức ghi nhận đầu năm. Cụ thể, tính đến 30/9/2019, nợ phải trả của doanh nghiệp này là 4.545 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho cũng tăng mạnh, từ 3.261 tỷ đồng hồi đầu năm lên 4.700 tỷ đồng sau 9 tháng.
Báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư LDG cũng cho biết, doanh thu quý III/2019 giảm 27%, chỉ đạt 324 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp theo đó giảm 29% xuống 222 tỷ đồng. Trong kỳ, LDG không còn khoản thanh lý đầu tư lớn khiến doanh thu tài chính giảm 99%. Kết quả, LDG báo lãi sau thuế 150 tỷ đồng, giảm 43%.
Tính đến cuối quý III/2019, con số hàng tồn kho của LDG cũng tăng thêm 22% so với thời điểm đầu năm, từ 1.748 tỷ đồng lên 2.128 tỷ đồng.
Bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, một số doanh nghiệp bất động sản khác ghi nhận những gam màu tươi sáng hơn trong bức tranh kết quả kinh doanh với chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng.
Công ty CP Tập đoàn Đất Xanh đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với lợi nhuận sau thuế đạt 564,9 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Đất Xanh vẫn tiếp tục âm hơn 100 tỷ trong 9 tháng đầu năm. Một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này của Đất Xanh do khoản phải thu ngắn hạn là 5.925 tỷ đồng, tăng tới 66% so với đầu năm, chủ yếu đến từ việc tăng các khoản ký quỹ, ký cược cho các hợp đồng tiếp thị, phân phối bất động sản; góp vốn các hợp đồng hợp tác kinh doanh và tạm ứng đầu tư.
Theo báo cáo, tính đến hết quý III/2019, lượng tồn kho của Đất Xanh là 5.310 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ đồng so với đầu năm, đưa Đất Xanh nằm trong top những doanh nghiệp có hàng tồn kho thuộc hàng “khủng” trên thị trường địa ốc.
Một doanh nghiệp địa ốc lớn khác là Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt cũng trong tình trạng dòng tiền âm bất chấp lãi ròng tăng mạnh. Cụ thể, lãi ròng quý III/2019 của Phát Đạt đạt 160,5 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ 2018) nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn âm 471,3 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia thuộc Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của thị trường bất động sản là do chính sách siết chặt cho vay, giảm tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực này.
Số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam và diễn biến thực tế trên thị trường chỉ rõ, một số địa phương có thị trường bất động sản phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… đều cho thấy sự giảm tốc về cả nguồn cung mới và lượng giao dịch, do chính quyền các địa phương này đang tiến hành rà soát lại hàng loạt dự án bất động sản.