Nhiều cơ hội phát triển kinh tế số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự báo về triển vọng phát triển thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số (KTS) tại Việt Nam giai đoạn 2020 - 2025, các tập đoàn như: Google, Temasek và Bain&Company dự đoán quy mô của nền kinh tế số sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN. Đại dịch Covid-19 thúc đẩy KTS phát triển nhanh hơn. Ngay trong năm nay, nhiều giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái thúc đẩy TMĐT và KTS phát triển sẽ được triển khai.
Doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng công nghệ số nhằm xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng. Ảnh: Nhã Chi
Doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng công nghệ số nhằm xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng. Ảnh: Nhã Chi

Tiếp đà tăng trưởng

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan mạnh trên toàn cầu đã làm đứt gãy, gián đoạn hoạt động thương mại. Tuy nhiên, theo Cục TMĐT và KTS thuộc Bộ Công Thương, rất nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tìm ra hướng đi, nhanh chóng triển khai các giải pháp để duy trì hoạt động như đẩy mạnh giao dịch trên thị trường TMĐT, cải thiện chất lượng và mẫu mã sản phẩm, chuyển đổi dịch vụ để phù hợp với thị trường, tích cực tìm kiếm đầu ra.

Tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt 18% và quy mô đạt 11,8 tỷ USD trong năm qua khiến Việt Nam trở thành nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. “TMĐT trở thành công cụ hữu ích giúp các DN vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội để phát triển bứt phá”, đại diện Cục TMĐT và KTS nhận xét.

Theo Bộ Công Thương, trong năm qua, các hoạt động TMĐT đã tạo động lực mới mạnh mẽ hơn cho phát triển thương mại cả nước. Bộ Công Thương đã triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa đối với một số mặt hàng nông sản nhằm nâng cao thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước phát triển; xây dựng giải pháp tổng thể cho hệ thống sàn giao dịch dịch vụ logistics giữa các DN dịch vụ logistics và DN chủ hàng nhằm tạo thuận lợi cho dịch vụ giao hàng gắn với TMĐT; hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ số… nhằm xúc tiến bán hàng trên môi trường mạng. Đồng thời, tiến hành số hóa hệ thống thông tin về thị trường, nâng cấp nền tảng hỗ trợ xuất khẩu tại địa chỉ: ECVN.com giúp DN nâng cao năng lực xuất nhập khẩu.

Trước đó, năm 2018 và 2019, tăng trưởng TMĐT của Việt Nam luôn đạt 2 con số. Với đà phát triển đó cùng với quy mô dân số trên 97 triệu người, cơ cấu dân số trẻ và thuộc nhóm có mức độ truy cập Internet cao, các chuyên gia kinh tế cho rằng, có cơ sở để nhận định thị trường TMĐT Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai.

Nhiều giải pháp tạo thuận lợi

Trước triển vọng tích cực đối với sự phát triển của TMĐT và KTS, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và KTS cho biết, năm 2021, Bộ Công Thương sẽ chú trọng phát triển hạ tầng TMĐT cũng như tích cực hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp luật cho TMĐT nhằm tạo môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho DN và người tiêu dùng Việt Nam.

Cụ thể, năm nay, Bộ Công Thương đẩy mạnh triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kế hoạch này gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, định hướng phát triển KTS và chuyển đổi số quốc gia. “Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng giúp DN tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Hải nhấn mạnh.

Cùng với đó, Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về TMĐT. Mục tiêu của việc sửa đổi này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Nghị định, từ đó xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái cho TMĐT và KTS phát triển.

Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Nghị định tập trung vào các vấn đề như: Quy định đối với thông tin hàng hóa, dịch vụ bắt buộc phải công khai của người bán; trách nhiệm cung cấp công cụ tra cứu cho cơ quan quản lý nhà nước của chủ sàn giao dịch TMĐT; liên đới trách nhiệm về hàng hóa, dịch vụ bán trên sàn giao dịch TMĐT của chủ sàn giao dịch TMĐT; điều chỉnh TMĐT với các mạng xã hội; quản lý chất lượng hàng hóa TMĐT…

“Dự kiến, Dự thảo Nghị định sẽ được hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 3/2021”, ông Hải chia sẻ.

Ngoài các giải pháp trên, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong TMĐT; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý nhà nước về TMĐT, cán bộ thực thi thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong TMĐT…

Chuyên đề